Phú Yên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS
Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn. Phú Yên có gần 30 dân tộc thiểu số, chủ yếu sống tập trung ở các huyện miền núi phía Tây với khoảng hơn 58 nghìn người DTTS trên địa bàn, chiếm 23,5% dân số của vùng. Nhiều dân tộc có từ lâu đời như: Chăm, Ê đê, Ba Na, Hrê, Hoa, Mnong, Raglai, ....
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã cố gắng, nỗ lực hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, tuy nhiên với điều kiện còn khó khăn về kinh tế nên quá trình hỗ trợ của tỉnh chưa cải thiện được cuộc sống cho đồng bào DTTS. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc nơi đây chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên đã ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc.
Ngoài chăm lo đời sống cho bà con dân tộc, tỉnh Phú Yên còn chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần cho bà con nơi đây nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017-2020.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm kê, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nhà ở theo kiến trúc truyền thống của dân tộc để bảo tồn không gian tồn tại của các giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức sưu tầm, lưu giữ và trưng bày giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ trang phục dân tộc mình và thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong các nghi lễ của gia đình, buôn làng...
Lễ cúng bến nước là một trong những phong tục lâu đời của đồng bào Ê Đê ở Phú Yên (Ảnh Thiên Lý) |
Ngoài ra, hỗ trợ khôi phục các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, đẽo tượng; phục dựng một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc như: Lễ hội “Xoay cột con trâu” của người Bana tại thôn Xí Thoại; Lễ hội “Cầu mưa” của người Ê Đê tại buôn Lê Diêm, và một số lễ hội khác như Lễ bỏ mả, cúng bến nước, ăn cơm mới; định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc ở cấp tỉnh; Liên hoan cồng chiêng ở xã Krôngpa, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa); Liên hoan dân ca nhạc cụ dân tộc huyện Sông Hinh; Lễ hội trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện các Đề án của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tổ chức ở khu vực và trung ương; mở rộng giao lưu văn hóa nhằm giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc; hạn chế những tác động xấu của văn hóa ngoại lai.
Đặc biệt, khuyến khích phục hồi các lễ hội dân gian truyền thống mang tính tiêu biểu của các dân tộc; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đồng thời vận động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo cho các địa phương có điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, phát huy tối đa nét văn hóa truyền thống của mỗi cộng đồng.