Phú Thọ phấn đấu hết năm 2025 sẽ có 282 sản phẩm OCOP
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ đã đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2025, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP.
Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ kiểm tra, đánh giá về mẫu mã bao bì của các sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021. (Ảnh: CTTĐT Phú Thọ) |
Một trong những mục tiêu thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng ngành... Xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm “OCOP Phú Thọ” có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu.
Theo đó, Phú Thọ đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi xã phường, thị trấn lựa chọn phát triển ít nhất 1 sản phẩm mang tính đặc trưng, có lợi thế so sánh, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị để tiêu chuẩn hóa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP của 241 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề, hộ/cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.
Trong đó, tiêu chuẩn hóa, phát triển 228 sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Cụ thể, 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao - sản phẩm quốc gia; 75 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 142 sản phẩm đạt hạng 3 sao - sản phẩm cấp tỉnh.
Khuyến khích, phát triển 54 sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP, có thể tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo quy định.
Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh có tiềm năng tham gia Chương trình. Trong đó, phát triển mới 50 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu và thị trường ổn định; có trên 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu có ít nhất 40% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (trên 80 sản phẩm) có sản lượng hàng hóa ổn định, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; mỗi huyện, thành, thị hỗ trợ xây dựng thêm ít nhất 1 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tour, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 28 sản phẩm của 22 chủ thể được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh với 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Hỗ trợ 20 chủ thể tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gắn với phát triển sản phẩm OCOP...
Thảo Nguyên