Phú Thọ: Người dân dựng lều, mắc màn chặn xe chở rác vào xã Vô Tranh
Theo phản ánh của người dân địa phương, bãi rác thải nằm tại xã Vô Tranh (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đã tồn tại từ 12 năm nay. Thời gian bãi rác hoạt động cũng là 12 năm người dân sống tại xã Vô Tranh nói chung và các hộ dân sinh sống, canh tác gần bãi rác nói riêng phải sống chung với ô nhiễm môi trường.
Hàng ngày bãi rác thải này tiếp nhận lượng rác lớn của toàn huyện Hạ Hòa. Không thể chịu đựng mùi hôi thối của bãi rác khổng lồ, người dân 2 xã gần bãi rác là Vô Tranh và Bằng Giã đã dựng lều bạt để ngăn chặn xe chở rác tới.
Chị Đặng Thị Minh Toản – một người dân sinh sống tại xã Bằng Giã (huyện Hà Hòa) cho biết: “Chúng tôi đã dựng lều trực 4 ngày để ngăn chặn xe không đổ rác, bởi người dân chúng tôi quá khổ rồi. Mỗi hôm chúng tôi luân phiên thay nhau cắt cử 4-5 người sang nằm tại chiếc lán tạm để trông không cho xe rác vào trong bãi".
Theo chị Toản, người dân rất muốn di dời bãi rác này đi. "Bãi rác đã tồn tại từ năm 2010 đến nay, là bãi rác lộ thiên không được xử lí, ngày mưa xộc lên mùi hôi thối, ruồi bọ vo ve nhức cả đầu. Những ngày nắng, người ta đốt rác khói phủ kín trời, bốc mùi khét lẹt, cũng không thể ngửi nổi.
Nhiều năm nay chúng tôi phải sống chung với cảnh ô nhiêm môi trường, ô nhiễm nguồn nước từ bãi rác thải này, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan ban ngành từ tỉnh cho đến địa phương nhưng không có một cơ quan nào đứng ra giải quyết”, chị Toản phản ánh.
Tiếp lời chị Toản, ông Chu Ngọc Thanh phản ánh: “Dân ở đây bức xúc lắm, có những nhà cách bãi rác đến 3km mà vẫn không thể thở được vì mùi hôi thối bốc ra, ruồi nhặng bủa vây từ bãi rác này. Các gia đình đều phải mang cơm vào trong phòng, đóng cửa kín rồi buông màn mới dám ăn. Buổi tối các cháu nhỏ đóng kín cửa phòng và đeo khẩu trang ngồi học bài.
Quá bức xúc vì tình trạng ô nhiễm, các hộ dân buộc phải dựng lán thay phiên nhau ra đầu đường túc trực, chăng băng rôn phản đối, đề nghị di dời bãi rác".
Theo quan sát của PV Infonet, bãi rác này rộng hàng trăm mét vuông, với đủ các loại rác, từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, những vỏ thuốc trừ sâu cùng nhiều loại rác thải nguy hại khác đổ bừa bãi mà không hề được xử lý hay che đậy.
Dẫn chúng tôi vào bãi rác, ông Thanh chỉ các vị trí ở bãi rác và nói: ”Do người dân phản đối quyết liệt, đơn vị liên quan đã cho lấp đất lên đống rác chưa được xử lí, còn rác mới đổ thì dồn vào phía rìa".
Những ngày rác đầy, đơn vị quản lý đổ dầu đốt cháy, khói ô nhiễm và ruồi bọ len lỏi vào nhà dân.
Nhà chị Nguyễn Thị Liên ở khu 1 xã Bằng Giã là một trong những nhà bị ảnh hưởng nặng bởi bãi rác này. Bước vào căn bếp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, thậm chí có phần sợ hãi trước cảnh tượng hàng trăm con ruồi bâu kín gian nấu ăn dù có người đi vào, cả mảng tường đen đặc ruồi, khi bà Liên xua tay thì đám ruồi mới bay tứ tung.
“Hôm nay số lượng ruồi như thế này chưa là gì đâu, những hôm trời nắng to hay những hôm họ đốt rác thì con số phải gấp 2, gấp 3 như thế này. Khách trong làng đến thì không sao chứ khách từ xa đến họ không biết lại tưởng chúng tôi sinh hoạt bẩn, phát ngại lên được”, xua tay đuổi ruồi, chị Liên không giấu nổi sự bức xúc.
“Ăn cơm với ruồi” là câu mà mỗi người dân nơi đây thường nhắc đến khi đề cập đến tình trạng sống chung với bãi rác. Cầm các tấm vỉ ruồi đặt lên bàn uống nước, chị Liên cho biết mới để 5 tấm vỉ ruồi trong một buổi chiều mà ruồi đã bâu kín, đến bữa cơm mọi người phải ngồi trong màn ăn để tránh ruồi.
“Chồng tôi phát hiện bị ung thư phổi từ tháng 5 năm 2022, sống với môi trường này ai không ung thư thì cũng mắc bệnh về đường hô hấp. Từ người già đến trẻ nhỏ ốm đau miên man, khổ quá", chị Liên nói.
Bảo Khánh