Phú Thọ nghiêm túc thực hiện chương trình giải quyết việc làm và ATVSLĐ
Theo đó, tổng số lao động có việc làm tăng thêm là hơn 16.000 người, đạt 103,8% kế hoạch năm, trong đó số lao động được tạo việc làm thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm là 1.200 người (đạt 111,19% kế hoạch năm). Xuất khẩu lao động đạt 2,774 người (đạt 110,9% kế hoạch năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 60,5%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 26,7%. Số người được tư vấn giới thiệu việc làm 42.500 người…
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động và đẩy mạng cung cấp thông tin thị trường lao động qua hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm. Trong năm, Trung tâm đã tư vấn ch 41.560 lượt người (đạt 108% kế hoạch), giới thiệu việc làm cho hơn 1.200 lao động, tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm trong đó 12 phiên định kỳ tại Trung tâm, 1 phiên giao dịch việc làm online, 1 phiên giao dịch việc làm cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và 1 phiên lưu động tại huyện Thanh Thủy.
Phú Thọ nghiêm túc thực hiện chương trình giải quyết việc làm, an toàn vệ sinh lao động |
Công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Sở đã thẩm định cấp 98 giấy phép lao động, cấp lại 89 giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 13 người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện nghiêm túc, đã thẩm định và ra quyết định cho hơn 5.400 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với số tiền hơn 56.900 triệu đồng. Số người được hỗ trợ học nghề 215 người với số tiền hỗ trợ học nghề là 875 triệu đồng. Tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ nhất và tháng công nhân năm 2017 cấp tỉnh tại thành phố Việt Trì với tổng 1.500 người tham gia mít tinh, 13/13 huyện, thành thị nhiệt liệt hưởng ứng bằng nhiều hình thức như mít tinh, diễu hành, treo khẩu hiệu, panô….
Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ đã thẩm định và thông báo, xác nhận nội quy lao động đối với 40 doanh nghiệp, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 40 doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2017…. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp: Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố kết quả bàn giao chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và đào tạo sang Sở Lao động – Thương binh và xã hội. Toàn tỉnh có 52 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường Đại học, 10 trường Cao đẳng, 7 trường trung cấp, 20 trungtaam và 13 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau hơn 1 năm sáp nhập 3 trung tâm công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Kết quả kiểm tra đối với 8 Trung tâm sáp nhập có Trung tâm dạy nghề hoạt động tương đối ổn định, phát huy tốt cả ba nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp. Đối với 5 Trung tâm đổi tên, hoặc sáp nhập nhưng không có Trung tâm dạy nghề, chủ yếu duy trì và tổ chức các hoạt động Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp năng lực đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế (cơ cấu đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên chưa hợp lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, lạc hậu….)
Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ cũng đã thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo theo Thông tư 03 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội …. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực ký hợp đồng với các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân kỹ thuật các doanh nghiệp, tổ chức cho học sinh, sinh viên được thực tập tay nghề và thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp, cung cấp lao động sau đào tạo cho các doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt 85%.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ, kết nối cung - cầu về lao động, việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa gắn kết, thông tin các chính sách pháp luật lao động, chương trình hỗ trợ việc làm đến người lao động còn hạn chế, chất lượng nguồn lao động phần lớn là lao động phổ thông, việc mở rộng các thị trường có thu nhập cao còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu của thị trường đòi hỏi trình độ chuyên môn tay nghề cao.
Công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề vẫn chưa được chú trọng, một số doanh nghiệp không tổ chức tập tuấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho người lao động, không trang bị đầy đủ phương tiện đảm bảo an toàn…