Phù phổi, suy thận cấp sau uống 7 gói thuốc nam chữa căn bệnh tây y 'bó tay'
Tiền sử bị xơ cứng bì - căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ông P. tìm đến thầy lang mua thuốc nam uống. Sau 10 ngày toàn thân ông sưng phù, suy thận…
Bệnh nhân P sau khi được cấp cứu (Ảnh BVCC) |
2h sáng ngày 14/7, bệnh nhân Trần Văn P, 55 tuổi trú tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng môi tím, khó thở, phù toàn thân, đau ngực, huyết áp tăng…
Kíp trực cấp cứu đã nhanh chóng thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán phù phổi cấp/suy tim/suy thận.
Hiện tại, sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định, tiếp tục được theo dõi tại khoa Cấp cứu.
Theo lời bệnh nhân P, ông có tiền sử bị xơ cứng bì (đây là căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu). Nghe người quen giới thiệu, ông đã đến nhà "thầy lang" để mua "thuốc nam" về sắc uống chữa bệnh.
Sau khi uống được 10 ngày (7 gói), bệnh nhân thấy ngày càng mệt mỏi, kèm khó thở, toàn thân sưng phù nhiều hơn, nên đã đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương và được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để cấp cứu.
Qua trường hợp này, Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ chuyên khoa II Đào Ngọc Việt – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi người bệnh cảm thấy có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến những cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị y tế hiện đại để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chính xác bệnh.
“Khi người bệnh muốn sử dụng thuốc đông y, nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa y học dân tộc được đào tạo bài bản. Riêng đối với những bệnh nhân bị suy thận, tuyệt đối không dùng thuốc nam để chữa bệnh vì sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn”, BS Đào Ngọc Việt nhấn mạnh.
Bệnh xơ cứng bì (Sclerodermie) là bệnh rối loạn chất tạo keo, bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng lao động của người bệnh, là nỗi ám ảnh của người bệnh cũng như các bác sĩ da liễu. Bởi cho đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Theo BSCKI. Trần Quốc Long, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh xơ cứng bì (Sclerodermie) được xếp vào các bệnh thuộc nhóm bệnh tự miễn.
Bệnh với đặc trưng bởi sự tăng sinh và lắng đọng các chất tạo keo ở da, thành mạch máu và nhiều cơ quan khác trong cơ thể như: ống tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp.
Hậu quả của sự lắng đọng này sẽ gây ra dày cứng da, tổn thương và suy giảm chức năng của các nội tạng, bệnh thường khởi phát ở tuổi từ 30 - 50 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam.
Nguyên nhân gây bệnh, cho đến nay vẫn chưa rõ nhưng trong đó người ta nghĩ nhiều các yếu tố mà bệnh có liên quan mật thiết như vai trò của các yếu tố miễn dịch, nội tiết, di truyền, môi trường, kể cả nghề nghiệp…
BSCKI. Trần Quốc Long cho biết thêm, bệnh Sclerodermie, với hai thể bệnh phổ biến là thể khu trú và toàn thân.
Thể Sclerodermie khu trú, với thương tổn thương chỉ xuất hiện ở da, có thể xuất hiện nhiều mảng da bị xơ cứng, teo, sẹo và có hình dạng như những mảng tròn hay bầu dục, tròn nhỏ hình giọt nước, hình băng dài; vùng da bệnh có thể có màu trắng do giảm sắc tố hay hồng do giãn mao mạch hoặc có màu tím hoa cà.
Thể Sclerodermie toàn thân, với biểu hiện toàn bộ da bị xơ cứng, cứng nhiều nhất là ở mặt, bàn tay, các ngón tay.
Da cứng làm bệnh nhân không nhắm kín mắt được, miệng bị giới hạn cử động, không biểu lộ tình cảm được giống như mặt nạ.
Da bàn tay bị xơ làm các khớp ngón tay bị cứng, giới hạn cử động. Ngón tay bị cong và da dính sát vào xương như cành củi khô, các ngón tay bị đau nhức.
Đây là triệu chứng quan trọng, biểu hiện lúc mới phát bệnh, ngón tay đau từng cơn do rối loạn vận mạch tại chỗ, lâu ngày máu đến nuôi ít đi khiến các ngón tay có thể bị tím tái, hoại tử, lở loét và cụt ngón.
Ở bộ máy tiêu hóa, do bị xơ cứng nên bệnh nhân rất khó nuốt, nuốt nghẹn, nuốt sặc, bị táo bón hoặc tiêu chảy, lâu ngày người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng; với cơ quan hô hấp, đường hô hấp bị xơ nên bệnh nhân bị khó thở, tím tái, suy hô hấp và lâu ngày cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tim, trường hợp nặng có thể khiến tim bị loạn nhịp, viêm màng tim, viêm cơ tim hoặc viêm nội tâm mạc.
Ở cơ xương khớp, có thể bị tích tụ chất vôi tạo thành những cục vôi cứng dưới da khiến bệnh nhân bị viêm, đau nhức các khớp.
Theo các bác sĩ, hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng sẽ có những thuốc điều trị các triệu chứng như làm mềm da bằng vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tập thể dục thường xuyên để duy trì độ mềm dẻo của chi, ngón và độ nhạy cảm của da, xoa bóp da vài lần mỗi ngày, tránh để tổn thương da, gây loét.
Tránh tổn thương da bằng cách hạn chế tiếp xúc với xà phòng và bôi thuốc mỡ, giữ ấm, đi găng tay, tất chân trong mùa lạnh, tránh stress…Đặc biệt, người bệnh cần chú trọng điều trị các triệu chứng ở tim, phổi, thận, ruột... để hạn chế các tổn thương nội tạng.
Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh xơ cứng bì cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và theo dõi lâu dài. Theo đó, cần kết hợp với chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, trong khi chờ đợi các nhà khoa học tìm ra giải pháp điều hiệu quả, thì trước mắt người bệnh lẫn thầy thuốc đều phải kiên trì, tuyệt đối không tự chữa gây những hệ quả không mong muốn.
N. Huyền