Phong tục cô dâu khóc 1 tiếng/ngày cả tháng trước đám cưới ở Trung Quốc
Thông thường, đám cưới gắn liền với niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc khi cô dâu chú rể bắt đầu bước vào cuộc sống mới. Tuy nhiên, với những cô dâu dân tộc Tujia ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, họ phải khóc ít nhất 1 tiếng/ngày trong suốt một tháng trước khi về nhà chồng.
Phong tục khóc cưới đã có từ lâu đời tại nhiều vùng phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, và phổ biến cho tới cuối thời nhà Thanh (1644 - 1911). Dù hiện không còn phổ biến như trước, nhưng tục lệ này vẫn được người dân nhiều nơi mà đặc biệt là người Tujia xem là thủ tục cưới hỏi cần thiết.
Theo kênh CGTN, là nhóm lớn thứ 8 trong tổng số 56 dân tộc ở Trung Quốc, Tujia có dân số hơn 8 triệu người, và phần lớn họ sống ở miền trung và tây nam.
Những người cao tuổi kể lại rằng cô dâu nào cũng phải khóc trong đám cưới. Nếu không làm như vậy, cô dâu sẽ bị những người hàng xóm coi thường và xem là trò cười cho cả làng. Thực tế từng xảy ra nhiều trường hợp cô dâu bị mẹ đánh vì không khóc trong lễ cưới. Đặc biệt, thông qua tiếng khóc, người Tujia sẽ đánh giá được phẩm giá và trí tuệ của cô dâu.
Tờ China Daily cho hay, ở phía tây tỉnh Tứ Xuyên, phong tục khóc cưới được gọi là "Zuo Tang (Ngồi trong hội trường)". Thông thường, cô dâu bắt đầu khóc một tháng trước ngày cưới. Khi màn đêm buông xuống, cô dâu bước vào trong sảnh, và ngồi khóc trong khoảng một giờ. Mười ngày sau đó, mẹ cô dâu sẽ cùng khóc với con gái. Tiếp đến 10 ngày sau, người bà cô dâu cũng “nhập cuộc”. Nếu cô dâu có chị em hoặc cô dì, họ cũng đều phải khóc với cô dâu.
Theo quan niệm, cô dâu khóc là để kéo niềm vui và hạnh phúc tới cuộc hôn nhân. Tiếng khóc của cô dâu được thể hiện thông qua những lời than buồn bã. Tuy nhiên, trong đám cưới thời xưa, rất nhiều cô dâu đã khóc vì họ bị ép cưới, nên đã than vãn về cuộc hôn nhân bất hạnh sắp tới.
Trong đó, phần chửi rủa bà mối là một phần quan trọng, và ai oán nhất trong tục khóc cưới. Bởi trong xã hội cũ, phụ nữ không có quyền quyết định hôn nhân, mà tất cả đều do bà mối và cha mẹ sắp đặt. Do đó, các cô dâu thường chửi bới bà mối trước khi bước lên xe hoa. Điều này cũng được thể hiện trong các vở kịch Tứ Xuyên, và các loại hình nghệ thuật dân gian khác tại Trung Quốc.
Ở nông thôn, nơi những người mai mối vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hôn nhân, các cô dâu tiếp tục nguyền rủa họ khi thực hiện tục khóc cưới. Nhưng chính các bà mối cũng không bao giờ sợ bị mắng chửi. Bởi nếu họ không bị mắng, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không bao giờ thoát khỏi những chuyện xui xẻo.
Nhiều cô gái trẻ mới 15 hay 16 tuổi đã được huấn luyện khóc để chuẩn bị cho đám cưới trong tương lai. Họ luyện tập với những người bạn để đảm bảo sẽ không mắc phải sai lầm vào ngày khóc chính thức trước hôn lễ.
Minh Thu