Phòng chống tham nhũng: Khuyến khích sự tham gia của xã hội
Hội thảo Tổng kết cuối cùng Sáng kiến phòng chống tham nhũng VN 2013 |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ cho biết, các giai đoạn hoạt động của các đề án của VACI tại địa phương đã thể hiện sự sáng tạo, tính hiệu quả, khả năng nhân rộng. Quá trình triển khai các đề án, người dân đã có cơ hội tốt để tham gia “hiến kế” vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Theo báo cáo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, với chủ đề “tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, giảm tham nhũng”, VACI 2013 đã lựa chọn trao giải cho 24 đề án trong tổng số 130 đề án được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức, đơn vị đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước, đặc biệt có nhiều đề án được triển khai ở khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (Hà Giang, Hòa Bình, An Giang…), gồm 4 nhóm đề án: giám sát cộng đồng; truyền thông, nâng cao nhận thức; giáo dục đào tạo cho thanh, thiếu niên và ứng dụng công nghệ thông tin.
Đánh giá chung, các đề án VACI 2013 đã bước đầu có tác động tích cực trên diện rộng, tạo sự lan toả, khuyến khích sự tham gia của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Tuy nhiên, một số đề án tham gia VACI 2013 chưa bám sát kế hoạch, tập trung nguồn lực đảm bảo tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và tính thiết thực của các hoạt động và tính bền vững của đề án. Một số đề án chưa chú trọng đúng mức giải quyết mối quan hệ với chính quyền và các cơ quan quản lý ở địa phương. Nhiều đề án không xây dựng được tiêu chí hay công cụ để đo lường, đánh giá kết quả thực hiện, mức độ tác động của đề án nên không chứng minh được hiệu quả…, thiếu nỗ lực tạo hiệu ứng tích cực từ các hoạt động đó trong cộng đồng cũng như đóng góp cho công tác PCTN nói chung.
Tại Hội thảo, đại diện các đề án đã tập trung trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện và các bài học kinh nghiệm đối với cơ quan đồng tổ chức và các đề án.
Theo đó, các ý kiến cho rằng để các đề án triển khai hiệu quả cần phân tích đối tượng để bảo đảm nội dung, công cụ phải có đủ độ hấp dẫn cho nhiều thành phần quan tâm và tham gia thường xuyên, đảm bảo năng lực đơn vị thực hiện. Cần chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng, vì vậy nên có hòm thư góp ý của dân liên quan đến công tác này. Đồng thời, chú trọng các hoạt động để giáo dục, nâng cao ý thức PCTN cho các công dân ngay từ trên ghế nhà trường; lưu ý khâu tuyển chọn, hoàn thiện đề án và tập huấn để đảm bảo năng lực thực hiện, đẩy mạnh công tác giám sát, theo dõi…
Trên cơ sở đã đạt được, các cơ quan đồng chủ trì xác định sẽ tổng kết các bài học kinh nghiệm, xây dựng các mô hình thành công của VACI, phát triển khả năng hỗ trợ để nhân rộng các mô hình thành công trong thời gian tới, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện triển khai thuận lợi đối với các đề án về giáo dục đào tạo hướng đến đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên, ứng dụng công nghệ thông tin vì đây là nhóm có tiềm năng lớn, tính sáng tạo và bền vững. Đồng thời, qua hiệu quả của VACI, sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy việc ứng dụng trong nhận diện và khắc phục những bất cập, hạn chế trong cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, quản lý các lĩnh vực chuyên ngành, cũng như khuôn khổ pháp luật về PCTN và việc thực thi pháp luật nói chung.