Phòng, chống rửa tiền: Một mình ngân hàng không thể “chống” nổi!
Lĩnh vực rửa tiền không còn đơn thuần xuất phát từ buôn lậu, ma túy, casino... mà còn liên quan đến việc tài trợ khủng bố với các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Với xu thế của thế giới và sự quan tâm đến hệ thống tài chính tiền tệ, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 đã ra đời.
Theo nhận định của TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Luật Phòng, chống rửa tiền của Việt Nam ra đời tuy muộn nhưng đáp ứng cơ bản những tiêu chuẩn về phương pháp nghiệp vụ của quốc tế để chúng ta có thể quản lý và theo dõi hoạt động rửa tiền. Nhưng do nhận thức, điều kiện và yếu tố quản lý của chúng ta nên việc tổ chức thực hiện chưa ngang tầm với những yêu cầu đề ra.
Ngân hàng là cơ quan đầu mối trong việc phòng, chống rửa tiền, nhưng một mình ngân hàng thì không thể làm được. Ảnh: minh họa |
Trên thực tế, Luật đã phát hiện và nêu được một số vấn đề nhằm hạn chế được một số tiêu cực thông qua nạn buôn lậu, nhưng việc ngăn chặn cũng chưa thực sự quyết liệt nên việc triển khai còn sơ sài.
“Những biểu hiện nổi lên khác thường dẫn tới buôn lậu lớn và các hoạt động phi pháp chúng ta cũng đã phát hiện được và có sự ngăn chặn. Nhưng nhìn chung việc thực hiện chưa triệt để, nhất là những khoản giao dịch phải có thống kê, báo cáo nhưng việc thống kê, báo cáo của chúng ta hiện không đầy đủ. Có nơi làm nghiêm túc, có nơi có hệ thống sổ sách rất rõ ràng nhưng cũng có nơi làm rất đơn giản, chỉ mang tính hình thức. Thế nên việc ngăn chặn và xử lý của chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, chưa phải là riết ráo theo yêu cầu hoặc đúng nội dung của luật đã đề ra,” TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Phần lớn các hoạt động rửa tiền được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng, song theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền thì, ngân hàng và công an là hai cơ quan chủ công trong việc này. Theo đó, ngân hàng sẽ là nơi quản lý, theo dõi, phát hiện, còn cơ quan công an sẽ là nơi tiến hành điều tra và kết luận.
Riêng đối với hệ thống ngân hàng, ngoài cơ chế quy định của Ngân hàng Nhà nước, buộc các ngân hàng thương mại phải thường xuyên có những báo cáo theo nội dung liên quan đến rửa tiền. Chẳng hạn như sự biến động của các tài khoản, sự chuyển dịch nguồn vốn, những khoản chuyển tiền, thanh toán, đầu tư vào những địa chỉ cảm thấy có vấn đề sẽ phải báo cáo thường xuyên.
Đồng thời phải có sự giao ban phối hợp trong quá trình thực hiện giữa các ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước để có thể phản ảnh thực trạng chung và riêng của từng ngân hàng.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... những lĩnh vực thường được các đối tượng nhắm đến để rửa tiền, là điều cần thiết.
Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện quy định này, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng mặc dù đã có quy định và đang làm, tuy nhiên không phải nơi nào làm cũng hiệu quả và nghiêm túc, cho nên có thể có những vấn đề xảy ra, mất mát lớn thì chưa có nhưng tham ô, lợi dụng thì xảy ra nhiều. Do vậy, việc này đòi hỏi sự chấp hành Luật của toàn dân và các cơ quan chủ công.
“Ngân hàng là cơ quan đầu mối trong việc phòng, chống rửa tiền, nhưng một mình ngân hàng thì không thể làm được. Ví dụ thị trường chứng khoán, bất động sản là nơi đòi hỏi có sự phối hợp, phát hiện và thông tin lẫn nhau mới có thể phát hiện đúng đối tượng và xử lý kịp thời, chính xác,” TS. Cao Sỹ Kiêm nói.
Cũng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, rửa tiền là công đoạn phức tạp cần có sự tham gia của nhiều người, thậm chí nhiều tổ chức, và cần có một thời gian dài. Do vậy, cần có sự phối hợp và thực hiện của nhiều cơ quan chức năng một cách nghiêm túc mới có được kết quả cao.