Phòng, chống buôn người: Hình thức tuyên truyền sân khấu vẫn dễ tiếp nhận nhất
Dưới đây là một số chia sẻ của các chuyên gia về cách thức truyền thông hiệu quả trong công tác phòng chống mua bán người, giúp người dân nhận thức được dễ dàng nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chi Cục trưởng Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang thì Bắc Giang là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn khó khăn rất nhiều khi thu nhập thấp lại thiếu việc làm nên rất dễ bị tội phạm rủ rê lừa bán hoặc dụ dỗ đi xuất cảnh lao động trái phép. Vì thế, nếu không tuyên truyền thì người dân sẽ không biết cách để phòng tránh.
Tuy nhiên, bà Liên cho rằng, vấn đề nguồn lực rất quan trọng vì nếu không có nguồn lực thì cũng khó cho công tác tuyên truyền. Hiện nay do không có nguồn lực hỗ trợ ngành làm công tác tuyên truyền nên ở Bắc Giang hiện đang phải lồng ghép cùng chương trình ma túy, mại dâm để tuyên truyền về công tác phòng chống buôn bán người.
Một hội thi tuyên truyền phòng chống, tội phạm mua bán người ở Bắc Giang (Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Giang) |
Theo bà, hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa sẽ mang lại hiệu quả cao nhất bởi lẽ, đây là cơ hội cho những nạn nhân được lên sân khấu làm diễn viên, kể lại những câu chuyện có thật về việc mình bị lừa bán thế nào. Cách thức tuyên truyền này vừa giúp người dân dễ hiểu vừa nắm bắt được các thủ đoạn của tội phạm mua bán người để biết cách đề phòng.
Còn theo TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cần lựa chọn nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.
Do chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa trình độ nhận thức còn thấp, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm phải di cư đi làm ăn xa, có khi ở khu vực biên giới dẫn tới nguy cơ bị lừa bán. Do đó, làm tốt công tác truyền thông sẽ giúp mỗi người thấy được hậu quả của mua bán người. Đồng thời, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và chủ động phòng ngừa hiệu quả, hạn chế được nhiều thiệt hại do loại tội phạm này gây ra.
Theo TS Bùi Thị Hòa, để truyền thông đạt hiệu quả cao cần cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, nhận thức chưa đầy đủ về mua bán người.
Đặc biệt, lựa chọn các nội dung thiết thực như vấn đề hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, di cư lao động, phù hợp từng đối tượng, địa bàn, trình độ dân trí.
Ngoài ra, có thể tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm để thu hút cộng đồng và với sự tham gia tích cực của toàn xã hội nhất định sẽ tạo bước chuyển trong phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động mua bán người.
Theo một số chuyên gia tâm lý, những hình thức truyền thông như họp tổ dân phố, các buổi sinh hoạt đoàn thể dễ làm, ít tốn kém nhưng chỉ mang lại hiệu quả nhất định. Tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, chi tiết cụ thể hiệu quả hơn bởi giúp người tiếp nhận ghi nhớ tốt hơn, đúc rút được kinh nghiệm, hình thành kỹ năng.
Còn việc truyền thông trên báo, đài không nên chỉ dừng lại ở những câu chuyện thương tâm mà các nạn nhân phải gánh chịu, cảnh báo vụ việc mà phải hướng dẫn kỹ năng thoát khỏi tình huống nguy hiểm thông qua hình ảnh cụ thể, gây ấn tượng mạnh hay những lời kể cụ thể về cách nạn nhân tự giải cứu, tìm cách thoát hiểm.
Ngoài ra, trước thực trạng một số học sinh, sinh viên bị bắt cóc lừa bán đòi hỏi cần tăng cường truyền thông và trang bị kỹ năng tự bảo vệ như một nội dung học tập trong nhà trường. Hoặc, có thể lồng ghép trong các môn đạo đức, giáo dục công dân và hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh – sinh viên vừa thoải mái lại dễ tiếp thu hiệu quả các kỹ năng phòng ngừa.
Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, qua thực tiễn đấu tranh của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong phòng, chống tội phạm mua bán người nói chung, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em nói riêng trên các tuyến biên giới, đặc biệt trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, lấy phòng ngừa là chính. Làm tốt công tác tham mưu cho địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho quần chúng nhân dân, hạn chế nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, đặc biệt công tác tuyên truyền làm cho quần chúng nhân dân thấy rõ phương thức, thủ đoạn, hậu quả tác hại của tệ nạn mua bán người đặc biệt là mua bán, bắc cóc, chiếm đoạt trẻ em để mọi người, mọi gia đình chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Tham mưu kịp thời cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các lực lượng, các đoàn thể xã hội trong phòng chống tội phạm mua bán người, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh ở cộng đồng dân cư.
Ba là, kết hợp chặt chẽ các biện pháp công tác biên phòng, trong đó lấy biện pháp vận động quần chúng là cơ bản, tăng cường biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tuần tra kiểm soát biên giới, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, các cửa khẩu, đường mòn, đường tắt, những nơi bọn tội phạm thường lợi dụng để vượt biên, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; chú trọng công tác ĐTCB tuyến, địa bàn trọng điểm, nắm chắc tình hình, đánh giá toàn diện về diễn biến hoạt động của bọn tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Trên cơ sở đó dựng lại các tổ chức, đường dây có biểu hiện hoạt động phạm tội để có kế hoạch đấu tranh triệt phá, bóc gỡ kịp thời.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng, chủ động trao đổi thông tin, điều tra, xử lý tội phạm và giải cứu nạn nhân. Phát hiện và đề xuất biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong chính sách pháp luật, quản lý an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới mà bọn tội phạm có thể lợi dụng.