Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ, 16/6, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, với ưu đãi lớn về thuế và đất đai cộng với tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, quản trị… doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 |
Hiện nay, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, dường như Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, nền kinh tế đang có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế trong nước và FDI. Nói cách khác là “nền kinh tế có hai tốc độ”, hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia”.
Trong các dự án FDI có quá ít liên doanh, khoảng 80% FDI ở Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.
Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết, đến nay Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án FDI từ 116 quốc gia, đối tác với số vốn hơn 300 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp 70% giá trị xuất khẩu, gần 22% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm… Tuy nhiên, những lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển không đồng đều giữa khu vực FDI và tư nhân trong nước.
“Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe thì chiếc xe không thể vận hành trơn tru nếu chỉ còn một bánh FDI hoạt động mạnh mẽ”, Thứ trưởng nói.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: quan điểm, lập trường của Việt Nam coi FDI là bộ phận hữu cơ, hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chủ trương của nhà nước là tiếp tục thu hút mạnh mẽ và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp FDI vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của FDI là thành công của nền kinh tế Việt Nam.
“Trước sự lệch pha của hai khu vực này, Chính phủ sẽ không làm thu hẹp hay làm yếu đi khu vực FDI mà phải tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để cả FDI và doanh nghiệp trong nước phát triển. Đồng thời có chính sách để kết nối thành công 2 khu vực kinh tế này trong nền kinh tế thống nhất, để các doanh nghiệp có thể hội nhập, đủ sức mạnh tham gia chuỗi giá trị khu vực và thế giới, nâng cao khả năng cạnh tranh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút FDI tuy nhiên thu hút có chọn lọc. Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên doanh nghiệp FDI vào Việt Nam phù hợp định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi, quản trị tốt và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Sẽ ưu tiên nhiều hơn doanh nghiệp FDI có chính sách kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Việc kết nối này sẽ giúp cả hai khu vực mạnh lên, cùng phát triển.
“Chính phủ Việt Nam coi thành công của doanh nghiệp FDI là thành công của chính mình. Tôi mong doanh nghiệp FDI cũng coi thành công của doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam như thành công của các bạn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.