Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về tác động của chiến tranh thương mại tới Việt Nam
Đây là lời phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 diễn ra từ ngày 25 – 30/5 ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản và được đăng trên tờ Nikkei Asian Review.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về tác động của chiến tranh thương mại tới Việt Nam. |
Nhắc tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh xuất khẩu của Việt Nam đã cao gấp đôi GDP (200%). Đây chính là yếu tố khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên nhạy cảm trước bất cứ sự thay đổi dù nhỏ nhặt từ nền kinh tế toàn cầu và dòng thương mại.
Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trung Quốc và Mỹ hiện là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cả về công nghệ và giá trị thương mại.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng tiến hành mọi biện pháp đối phó cần thiết. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam là bên hưởng lợi trong cuộc thương chiến. Điều này đúng trong một chừng mực nào đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ.
Để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ, Phó Thủ tướng đã nhắc tới Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là một thỏa thuận thương mại gồm các thành viên Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN. Khối RCEP chiếm gần 50% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn là nhờ ảnh hưởng từ cuộc thương chiến là một điều đáng mừng nhưng "chỉ trong ngắn hạn".
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ "tác động xấu đến ngành sản xuất của Việt Nam" do nhu cầu toàn cầu giảm và các rào cản có thể nảy sinh trong tiếp cận nguyên liệu thô và linh kiện nhập khẩu.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ tác động tới hoạt động sản xuất của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới khả năng tiếp cận của Việt Nam với các linh kiện nhập khẩu và nguồn nguyên liệu thô có thể bị thu hẹp cộng với nhu cầu trên toàn thế giới giảm.
Dù một số chuyên gia nhận định giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ là điểm đến thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, nhưng Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ có những quyết định mang tính chọn lựa.
“Công nghệ cao là ưu tiên đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi cần thận trọng với các khoản đầu tư không cần thiết”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam sẽ cần phải đặc biệt cẩn trọng đối với các giao dịch nhằm mục đích đưa hàng qua Việt Nam để "né" các rào cản thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay Việt Nam vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao GDP mà cụ thể trong quý I năm nay đã đạt gần 75.
“Chúng tôi tin chúng tôi vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng này trong năm nay”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam bao gồm cải thiện chương trình hợp tác cũng như cải cách kinh tế.
“Thay vì phát triển nhiều lĩnh vực, chúng tôi đang cố gắng tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ cao và nông nghiệp nhằm tạo đà tăng trưởng cho tương lai”, Phó Thủ tướng nói.
Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 do Tập đoàn Nikkei tổ chức trong hai ngày 30 - 31/5 ở Tokyo với chủ đề "Đi tìm trật tự toàn cầu mới - Vượt qua bất ổn".
Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của nhiều nước châu Á như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat... cùng lãnh đạo nhiều viện nghiên cứu và tập đoàn lớn trên thế giới.