Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ghi nhận báo cáo của Tổng thư ký ASEAN về tiến triển trong hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh nỗ lực của Chủ tịch Thái Lan trong triển khai các sáng kiến cụ thể hóa Chủ đề của năm về “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững”, nhất trí trình Lãnh đạo thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Đối tác vì sự bền vững, hướng đến đẩy mạnh tính bền vững trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Các Bộ trưởng đã trao đổi về phương hướng đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, cân nhắc nguyện vọng tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của các nước Peru, Nam Phi; cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho Cấp cao kỷ niệm ASEAN- Hàn Quốc dịp cuối năm 2019… Đồng thời, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết nhất trí, không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó vừa ứng phó hiệu quả và kịp thời trước các thách thức, vừa bảo đảm giũ vững vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực. Các nước cũng trao đổi thêm về phương hướng tăng cường hợp tác chống khủng bố, bạo lực cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, xử lý rác thải biển...
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng tái khẳng định sẽ tiếp tục tích cực tham gia cùng chính phủ Myanmar tìm giải pháp phù hợp cho ổn định tình hình bang Rakhai, qua đó phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực.
Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC, nhấn mạnh tầm quan trọng của kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến tính toán sai lầm, nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC và phấn đấu xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển - UNCLOS 1982.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu tuyệt đối. Đồng thời các nước bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Indonesia, hai nước thành viên ASEAN sẽ hoàn thành trọng trách, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những tiến triển tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Thái Lan trong triển khai hợp tác theo tinh thần Chủ đề của năm. Phó Thủ tướng khẳng định ASEAN cần duy trì đoàn kết và nhất trí, coi đây là tài sản quí giá nhất cả trong xây dựng cộng đồng và lẫn trong duy trì vai trò trung tâm tại khu vực.
Phó Thủ tướng chia sẻ đánh giá tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các bên cần nỗ lực hơn nữa duy trì đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hảng hải và hàng không trên Biển Đông, đề cao tự kiềm chế, tránh những hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa Biển Đông, ảnh hưởng tới lòng tin trong khu vực. Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, trong nỗ lực xây dựng COC hiệu lực và hiệu quả, ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán thành công. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong các khuôn khổ của ASEAN trong ứng phó với những thách thức trên biển như nạn đánh bắt cá trái phép, rác thải biển...
Cảm ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Phó Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tích cực phối hợp đóng góp cho các nỗ lực chung vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ nỗ lực để tăng cường kết nối giữa HĐBA LHQ với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là hoạt động trong chuỗi các Hội nghị trù bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. |
Tiếp theo Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, cũng trong sáng ngày 22/6/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 19 – APSC 19 và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 23 – ACC 23 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34.
Tại Hội nghị APSC-19, các Bộ trưởng hoan nghênh các hoạt động hợp tác tích cực được triển khai theo các kênh chuyên ngành trực thuộc Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, trong đó có việc thông qua Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về Quyền của người khuyết tật; phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Công ước về Chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; thông qua Hướng dẫn về Hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN ở nước thứ ba; thông qua Kế hoạch công tác Diễn đàn khu vực ASEAN - ARF giai đoạn 2019-2021 về Chống khủng bố và Tội phạm xuyên quốc gia; tổ chức thành công diễn tập trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - ADMM về quân y và an ninh biển v.v.
Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực hợp tác thiết thực, hiệu quả trong trụ cột Chính trị-An ninh hướng đến mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm, vì hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở khu vực. Các lĩnh vực hợp tác tiếp tục được ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới gồm: đảm bảo an ninh mạng, chống ma túy, buôn bán người, hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai, an ninh biển, an ninh-an toàn hạt nhân v.v.
Hội đồng APSC cũng ghi nhận quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác ngày càng được mở rộng và củng cố, hỗ trợ thiết thực cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng và liên kết khu vực của ASEAN. Các Bộ trưởng đánh giá việc các Đối tác tỏ quan tâm cao muốn tăng cường quan hệ với ASEAN, nhiều nước trong và ngoài khu vực muốn tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và lập quan hệ Đối tác mới với ASEAN cho thấy ASEAN tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế. Điều này cũng đồng thời đặt ASEAN trước thách thức cần điều hòa, cân bằng và duy trì hiệu quả các quan hệ đối tác, giữ vững vị trí chủ đạo và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Các Bộ trưởng nhất trí sớm tiến hành các bước kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường công tác rà soát, đánh giá tình hình triển khai để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, đồng thời huy động sự tham gia, đóng góp rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội vào tiến trình này.
Tại Hội nghị ACC-23, các Bộ trưởng đã thống nhất với dự kiến chương trình hoạt động, nội dung nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34; ghi nhận và nhất trí đệ trình lên Lãnh đạo ASEAN xem xét thông qua các văn kiện hợp tác quan trọng của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao này.
Các Bộ trưởng ghi nhận những tiến triển trong hợp tác ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33. Hội đồng Điều phối ASEAN nhất trí cần tiến hành đồng bộ các biện pháp để thực hiện hiệu quả các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó coi trọng việc tăng cường phối hợp liên trụ cột, liên lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và công tác phối hợp ở cấp quốc gia và khu vực; tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực gia tăng liên kết kinh tế khu vực, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh kế hoạch đưa Tòa nhà trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN vào vận hành, mong muốn Tòa nhà sẽ được sử dụng hiệu quả phục vụ các Hội nghị của ASEAN và trở thành trung tâm hành chính của cả hệ thống ASEAN.
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhất trí cần sớm tiến hành công tác đánh giá giữa kỳ tiến độ triển khai Kế hoạch tổng thể các trụ cột Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng chính trị - an ninh, kịp thời xác định các tồn đọng và đề ra giải pháp phù hợp để khắc phục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước các tác động từ căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình liên kết kinh tế, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, tiếp tục xóa bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối khu vực và đẩy mạnh hợp tác trong ứng phó với cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong trụ cột chính trị - an ninh, Phó Thủ tướng đề nghị các nước thành viên tiếp tục các nỗ lực đề cao các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử đã được thừa nhận chung. Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, xây dựng và thông qua các chuẩn mực ứng xử trong đó có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC, tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm và vị thế dẫn dắt của ASEAN trong các tiến trình hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.