Phát triển toàn diện bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc
Triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, ngày 11/11/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 với tổng vốn đầu tư gần 2.145 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 1.500 tỷ đồng. Theo đó, UBND Thành phố đã tổ chức hội nghị trực tuyến, trực tiếp để quán triệt và triển khai kịp thời Kế hoạch đến các sở, ban, ngành và các đơn vị, địa phương có liên quan để thực hiện bảo đảm theo quy định.
Với cách làm bài bản, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% các xã, 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất...
Tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, nhiều đồng bào dân tộc đã trở thành những tấm gương tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đi đầu về các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi trọc để tăng diện tích cây trồng. Điển hình như hộ gia đình bà Bùi Thị Ngọc, bằng nguồn vốn vay của NHCSXH đã phát triển trang trại tổng hợp: nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng keo, các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh... Mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ tại địa phương.
Đời sống người dân nơi đây được cải thiện, hạ tầng được đầu tư khang trang, 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn có hệ thống thủy lợi, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó trên 20% kênh mương của các xã được kiên cố hóa. Bên cạnh đó, 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% số xã đã có điểm bưu điện; 100% các thôn có đường dây điện thoại, internet đến thôn, bảo đảm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào DTTS; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của con em đồng bào..
Tại huyện Ba Vi, việc triển khai đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn”, tại 7 xã miền núi đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng VietGAP. Đến nay, tổng diện tích chè của 7 xã miền núi đạt 1.300ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Minh Quang và Yên Bài.
Chăn nuôi bò sữa đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực tại các xã miền núi, với trên 12.000 con bò sữa; Chăn nuôi đà điểu cũng phát triển mạnh đã góp phần đưa Ba Vì là huyện dẫn đầu thành phố về chăn nuôi bò sữa và gia súc, gia cầm.
Trên địa bàn huyện còn có nhiều làng nghề chế biến, sản xuất đã có lịch sử lâu đời và đang ngày một phát triển như làng nghề miến Dong Minh Hồng, làng nghề sản xuất, chế biến chè búp khô ở làng Đô Trám và một số thôn, làng của xã Ba Trại; Làng nghề chế biến thuốc Nam tại thôn Yên Sơn - xã Ba Vì, giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền
Các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã thành lập tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương và triển khai các bước theo quy định. Với việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong tổng số hộ dân của thành phố từ 87 đến 89%, trong đó, tại các xã miền núi, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hơn 93%. Năm 2021, có 112/119 thôn, làng vùng dân tộc, miền núi đạt tiêu chí “Làng văn hóa”.
Có thể nói, trong thời gian qua, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tiêu biểu như triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đến nay thành phố đã bố trí hàng ngàn tỷ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP với các mục tiêu: Đến năm thu nhập đầu người vùng đồng bào tăng bình quân 20%/năm; Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP. Hà Nội; Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; 100% hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi; 100% hộ dân vùng dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch; Bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số S được tham gia bảo hiểm y tế; Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước là 0,1%/năm; Tỉ lệ lao động qua đào nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số đạt 75-80%...
Hằng Nga