Phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ miền núi Tây Nguyên
Chia sẻ với PV Infonet, ông Phạm Phú Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đối với thị xã Buôn Hồ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 31% tổng dân số, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất canh tác. Do vậy việc phát triển dự án chăn nuôi có sự kết nối giữa thị trường và phát huy sinh kế rất phù hợp với thực tế tại địa phương.
Với nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các cấp, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên… của thị xã đang được thực hiện.
“Thời gian tới việc tiếp tục triển khai các dự án này tại địa phương chắc chắn sẽ có sự kết nối và đồng thuận cao”, ông Phạm Phú Lộc khẳng định.
Theo chia sẻ của ông Lộc, thị xã Buôn Hồ đang triển khai công tác thông tin điện tử đến từng xã, phường, kể cả với đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay thị xã đã đưa những mặt hàng chủ lực tại địa phương lên trang thông tin điện tử của tỉnh để kết nối tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Kết quả bước đầu đã kết nối được đầu ra cho hai sản phẩm chủ lực là cà phê và sầu riêng đến các thị trường rộng lớn như châu Âu, Trung Quốc,… Hiện nay đa phần nhà nào cũng có điện thoại thông minh, để bà con tận dụng lợi thế công nghệ, dự án nên có những buổi tập huấn để họ sử dụng một cách có hiệu quả.
Với đặc trưng riêng của Tây Nguyên là người phụ nữ chính là chủ hộ gia đình, nên việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cũng chính là hỗ trợ hộ gia đình đó phát triển.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) tại Đắk Lắk, cho biết, Tây Nguyên có sự đa dạng về văn hoá với những cộng đồng người dân tộc thiểu số. Hàng loạt thách thức không chỉ đơn thuần là sinh kế lâu dài cho người nông dân mà còn có cả những thách thức về biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải,.. và hàng loạt các thách thức mà ở đó có dư địa để các bên cùng nhau chung tay.
Tuân Nguyễn