Phát triển nhà ở xã hội: Chính sách nhân văn vì cộng đồng
Nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân, giải quyết bài toán an sinh xã hội, Chính phủ đã có những quy định cụ thể cho việc xây dựng nhà ở xã hội, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chính sách về nhà ở bằng một loạt các quyết sách tích cực và các hành lang cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Khẳng định hướng đi đúng đắn của chính sách nhân văn vì cộng đồng.
Phát triển nhà ở xã hội khẳng định hướng đi đúng đắn của chính sách nhân văn vì cộng đồng. |
Theo ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động. Nhiều thành phố lớn đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở như thành phố Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh có đô thị, khu công nghiệp phát triển, trong khi nguồn lực tài chính, quỹ đất cho phát triển xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông và các dịch vụ tiện ích khác đang thiếu hụt, chưa đáp ứng. Đến năm 2020 cần xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Chương trình, Đề án về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược. Đến nay, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 191 dự án, quy mô xây dựng khoảng 78.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 215 dự án với quy mô xây dựng khoảng 175.100 căn hộ.
Vấn đề nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tiếp tục “nóng” khi được Đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Xây dựng ngay tại nghị trường Quốc hội mới đây.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, nhà ở xã hội trong đó nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp và các hộ nghèo trong đô thị luôn được quan tâm và là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, trong thời gian qua các cấp các ngành các địa phương đã nỗ lực cố gắng thực hiện và đã thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hộ trong đó 1,8 triệu m2 cho nhà ở đô thị và 2 triệu m2 cho nhà ở công nhân.
“Theo chiến lược nhà ở quốc gia, so với yêu cầu về nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội mới đạt 3,8 triệu m2 trên 10 triệu m2. Như vậy, thực tế, cung cầu mất cân đối, nguồn cung nhà ở xã hội trong đó nhà cho công nhân các khu công nghiệp đang thiếu gay gắt”, ông Hà nhấn mạnh.
Một số phương án để giải quyết các vấn đề về nhà ở xã hội đặc biệt nhà cho công nhân các khu công nghiệp và các hộ nghèo đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đưa ra như, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/2017 về giải pháp thúc đẩy nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở đô thị.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Nếu thực hiện tốt đề án này thì vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ có sự chuyển biến mới.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cần phải bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước theo quy định luật nhà ở để hỗ trợ cho những người mua nhà vay, thuê mua nhà ở cho những người công nhân và người nghèo.
Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm vừa qua, số vốn được bố trí chưa đầy 1.200 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thực tế là khoảng 9.000 tỷ đồng. “Các đối tượng như công nhân mong muốn có khoản này hỗ trợ để nâng cao khả năng thanh toán thuê mua nhà. Mong Quốc hội quan tâm, Chính phủ cũng đã dự kiến bố trí 2.000-3.000 tỷ vốn dự phòng hàng năm”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.