Phát triển nghề Công tác xã hội ở Quảng Ninh
Cán bộ Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh thu thập thông tin đối tượng yếu thế tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Ảnh: Xuân Huy (Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh) |
Ông Đặng Hữu Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh cho biết: “Phát triển nghề Công tác xã hội trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi… Phát triển tốt nghề Công tác xã hội sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển xã hội công bằng, hài hoà và bền vững”.
Xuất phát từ mục tiêu đó, trong quá trình phát triển Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đưa ra cách thức hoạt động hợp lý, tổ chức mạng lưới trợ giúp linh hoạt qua: Hệ thống văn phòng công tác xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố; nâng cao hiệu quả hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội; tổng đài tư vấn miễn phí, tiếp nhận thông tin… Qua đây, các nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội sẽ tiếp nhận yêu cầu của đối tượng, lắng nghe, tìm ra các hướng tư vấn, hỗ trợ, can thiệp… giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng khi có nhu cầu. Từ đó, mở ra cơ hội trợ giúp tới nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội như: Người nghèo, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, đối tượng bị nạn bạo hành gia đình... giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống.
Cho đến nay, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh đã triển khai thành công việc xây dựng các mô hình thí điểm hệ thống văn phòng công tác xã hội tại Hạ Long, Quảng Yên và Tiên Yên; đưa vào hoạt động đường dây tư vấn miễn phí 18001769; duy trì hoạt động của đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội trên toàn tỉnh với 1.800 cộng tác viên… Để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về nghề Công tác xã hội, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức; các nhân viên công tác xã hội đã đến với cộng đồng để cung cấp các dịch vụ, lồng ghép công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm đã triển khai hoạt động quản lý 100 trường hợp yếu thế tại Vân Đồn, Hoành Bồ, Bình Liêu, Hạ Long, Móng Cái. Qua các hoạt động tư vấn trực tiếp và tư vấn qua tổng đài, Trung tâm đã trợ giúp và can thiệp cho nhiều người yếu thế. Bên cạnh đó, Trung tâm còn mở 2 lớp dạy kỹ năng sống cho 50 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại Ba Chẽ và Hải Hà. Hiện tại, Trung tâm cũng xây dựng kế hoạch thực hiện quản lý 600 trường hợp đối tượng yếu thế tại cộng đồng và 200 trường hợp đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Có thể thấy nghề Công tác xã hội phát triển sẽ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội chủ động vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng; thay đổi cách thức tổ chức, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giúp các đối tượng tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội một cách chủ động hơn. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.