Phát triển đô thị xanh – Xu thế dự án nhà ở bảo vệ môi trường
Chính trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, đô thị ngày càng “nóng”, giá trị của cây xanh càng trở nên vô cùng quan trọng, vừa giảm nhiệt nắng nóng, tái thiết sự trong lành cho chính khu đô thị lẫn không gian lân cận. Đặc biệt, xu hướng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều tại các khu đô thị hiện nay đang được giới nghiên cứu và cả các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Phát triển đô thị xanh – Xu thế dự án nhà ở bảo vệ môi trường. |
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành xây dựng đạt 12 - 16%/năm và tiêu thụ khoảng 20 - 24% tổng năng lượng quốc gia. Hiện nay, rất nhiều thiết bị điều hòa không khí đang sử dụng có công nghệ cũ, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng. Không những vậy, tại nhiều dự án, hệ thống kỹ thuật chưa được bảo trì đúng cách, dẫn tới tổn hao nhiệt năng lớn.
Theo một số nghiên cứu, công trình - tòa nhà là đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Trong đó, tính cả năng lượng để chế tạo vật liệu xây dựng, vận chuyển đến nơi xây dựng và lắp đặt, thì tổng năng lượng tiêu thụ lên đến 48% tổng năng lượng quốc gia. Trong khi đó, tuổi thọ các công trình xây dựng chỉ 50 - 100 năm.
Trong công trình - tòa nhà, hệ thống điều hòa không khí tiêu thụ đến 40% năng lượng; tiếp đến là chiếu sáng 15% - 20%; hệ thống thang máy 5% - 10%; hệ thống nước nóng 5% - 10% và các thiết bị văn phòng tiêu thụ 10% - 15% năng lượng. Do đó, các công trình - tòa nhà nếu thực hiện đổi mới công nghệ, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường ngay từ khi xây dựng thì về lâu dài sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho cả chủ đầu tư và xã hội.
Do đó, vài năm trở lại đây, xu hướng đầu tư phát triển bất động sản theo hướng thân thiện với môi trường và lựa chọn các giải pháp “xanh” cho công trình giúp các chủ đầu tư giảm chi phí đáng kể trong việc sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm phát hiệu ứng nhà kính cho cộng đồng. Song, để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách vĩ mô thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, vật liệu xanh đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các dự án xanh.
Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 32,3% vào năm 2030 và khoảng 44% vào năm 2050; tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo tăng 32% vào năm 2030 và lên 42% vào năm 2050. Song song đó, Chính phủ cũng đạt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường khoảng 22% vào năm 2030 và 45% vào năm 2050.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Thị Lan Anh, Bộ Xây dựng đã xây dựng các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng.
Đồng thời xây dựng triển khai chương trình phát triển đô thị xanh, công trình xanh; Bộ cũng đã thông qua đề án phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho biết phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tư vào công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng)…
Từ thực tế triển khai các công trình xanh, ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Capital House mong muốn làm công trình xanh rộng rãi hơn nữa, bởi một tòa nhà chưa thể làm xanh cả thành phố, cũng như “một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân”. Vì thế, ông mong muốn thúc đẩy với sự tham gia của các chuyên gia, sự đồng lòng của doanh nghiệp và cư dân.
Khẳng định, công trình xanh sẽ giúp cả cộng đồng được hưởng lợi, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó và cần có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng công trình xanh. Ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Đồng thời, theo ông Chiến, pháp luật cũng phải có quy định bắt buộc về tỷ lệ phần trăm xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh ở khu đô thị là bao nhiêu chứ không phải thích thì xây, không thích thì thôi.