Phát triển điện hạt nhân, nhìn từ kinh nghiệm nước Nga!
Ông Andrey Stankevich, Đại diện Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử (ROSATOM) của Liên bang Nga, tại Việt Nam cho rằng, yếu tố chính thúc đẩy những nhận định tiêu cực về năng lượng hạt nhân là sự thiếu thông tin, kiến thức về công nghệ và bức xạ. Kinh nghiệm của ROSATOM được xem là bài học hữu ích, có thể giúp Việt Nam đạt được sự chấp thuận của công chúng trong quá trình phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Theo kinh nghiệm của Liên bang Nga trong xây dựng điện hạt nhân (ĐHN) tại nước ngoài, có ba yếu tố quan trọng, không tách rời, tác động đến tốc độ thực hiện dự án điện hạt nhân, đặc biệt là giai đoạn tiền đầu tư. Thứ nhất, nhu cầu điện và cơ cấu ngành điện được thực hiện trong thời gian dài trong tương lai. Thứ hai, sự quyết tâm của lãnh đạo các bộ, ngành và các chính trị gia. Thứ ba, sự chấp thuận và đồng thuận của công chúng cho các ngành năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân.
Công nghệ hạt nhân đang phát triển, công suất cung cấp năng lượng hạt nhân sẽ tăng lên tại các quốc gia châu Á. Dẫn đầu trong lĩnh vực này là Trung Quốc và Ấn Độ. Cơ sở hạ tầng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với những quốc gia đã và đang phát triển ĐHN, cũng như công nghệ năng lượng nguyên tử là công cụ để giải quyết những thách thức con người đang gặp phải.
Trên thực tế, sự chấp thuận của công chúng đối với năng lượng hạt nhân vẫn là nhân tố ảnh hưởng đến ngành năng lượng hạt nhân. Thông tin về năng lượng hạt nhân được truyền đi rất nhanh mà nước Đức là một ví dụ. Quốc gia này đã loại bỏ việc phát triển ngành năng lượng hạt nhân. Chính phủ Đức đã đóng cửa các nhà máy ĐHN đang hoạt động và điều này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của Đức, con số này có thể lên tới 37 tỷ Euro vào năm 2020.
Việc thực hiện truyền thông chưa hiệu quả đã dẫn tới những hiểu lầm cũng như gia tăng “những bí mật” chưa được giải đáp về công nghệ hạt nhân. Những vụ thử vũ khí hạt nhân, sự kiện bom nguyên tử ở Hiroshima, Nagasaki năm 1945, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyn ở Nga, hay Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) năm 2011, đã tác động đến sự phát triển năng lượng hạt nhân trên thế giới, dù nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng trong sự cố Fukusima là do động đất, sóng thần. Trên thực tế, các toà nhà xây dựng trong khu vực nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của nhà máy ĐHN.
Năng lượng hạt nhân có thể mang lại lợi ích cho khu vực, tuy nhiên bên cạnh đó cũng “có những thách thức” buộc ROSATOM phải đối diện và vụ việc tại Ấn Độ là ví dụ từ việc thiếu kiến thức về ĐHN dẫn tới sự phản đối, không đồng thuận của người dân. Rất nhiều người ngư dân thậm chí đã đến biểu tình nhiều ngày ở nhà máy ĐHN Kudankulam ở Ấn Độ vì lo ngại sự vận hành của nhà máy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thủy sản, tác động tiêu cực đến sản lượng đánh bắt cá. ROSATOM đã giải quyết trường hợp của Ấn Độ bằng cách mời ngư dân sang thăm nhà máy ĐHN có quy mô lớn của Đài Loan, gặp gỡ và trao đổi với các ngư dân xung quanh khu vực xây dựng nhà máy về những tác động đến môi trường biển.
Chúng tôi cho rằng “sự chấp thuận của công chúng” là vô cùng quan trọng, song để đạt được sự chấp thuận của công chúng, thông tin phải được truyền thông một cách thấu đáo. ROSATOM đã sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau, từ các ứng dụng di động, truyền hình đến sách vở để đưa thông tin đến người dân. Rất nhiều hoạt động cộng đồng được Tập đoàn tổ chức, chẳng hạn một cuộc thi câu cá tại hồ điều hòa của nhà máy ĐHN để thấy sự vận hành của nhà máy không tác động đến môi trường, đời sống thuỷ sinh. Cạnh đó, ROSATOM cũng xây dựng hơn 200 nhà máy ĐHN ảo thông qua các trò chơi điện tử, giúp mọi người tương tác nguồn năng lượng sạch này.
Ngành năng lượng nguyên tử của Nga cũng chịu tác động bởi sự cố Fukusima. Khi đó, bằng nhiều cách, chúng tôi cố gắng giải thích với mọi người về hoạt động của nhà máy ĐHN, các sự cố cũng như sự chuẩn bị ứng phó. Một mặt, ROSATOM thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến năng lượng hạt nhân trên website của tập đoàn, mặt khác, mời các chuyên gia độc lập, những người có thể giải thích một cách rõ ràng về hiện trạng của Nhà máy ĐHN Fukusima và tình hình phóng xạ ở đó. ROSATOM cũng tổ chức nhiều cuộc họp báo và chỉ trong hai tháng 4 và 5/2011, tập đoàn này đã tổ chức 19 tour dành cho báo chí đến thăm các nhà máy ĐHN của Nga.
Tại Nga, sự chấp thuận của công chúng đối với năng lượng hạt nhân đang tăng lên theo các năm. Tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 70% người dân chấp thuận ĐHN. Kết quả này có được là nhờ ROSATOM thực hiện phương pháp tích hợp kinh nghiệm của quốc tế cũng như kinh nghiệm của nước Nga. Chúng tôi tiến hành truyền tải những kiến thức cơ bản về bức xạ, phóng xạ, khoa học hạt nhân, cũng như nhấn mạnh lợi ích địa phương nhận được khi năng lượng hạt nhân phát triển.
ROSATOM trong vai trò của một nhà cung cấp đã thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới và một trong những trách nhiệm hàng đầu là hợp tác với các chính phủ phát triển năng lượng nguyên tử. Chúng tôi cũng hỗ trợ các chính phủ thúc đẩy sự chấp nhận của công chúng. ROSATOM cũng đã ký một biên bản thoả thuận hợp tác với Việt Nam, Bangladesh, trong việc thúc đẩy sự chấp thuận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, vấn đề then chốt vẫn là nâng cao nhận thức, giáo dục để đạt được sự chấp thuận của công chúng.
Những hoạt động hỗ trợ của ROSATOM được đẩy lên trên bình diện toàn cầu, dựa trên nền tảng giáo dục. Các bài giảng của các giáo sư về an toàn hạt nhân cũng đã được thực hiện tại Việt Nam, Banglades, Phần Lan… Các biên bản ghi nhớ cũng đã được ROSATOM thực hiện với Argentina, Nam phi, Cộng hòa Séc và Việt Nam. Hiện có 330 sinh viên Việt Nam đang theo học các lĩnh vực liên quan đến ngành hạt nhân tại các trường đại học của Nga. Cạnh đó, ROSATOM cũng hỗ trợ thành lập các trung tâm thông tin về năng lượng nguyên tử tại Hà Nội, tiếp nhận trung bình khoảng 2.000 lượt người đến tham quan mỗi tháng, để thông tin được truyền đạt hiệu quả.
Việc trao đổi trực tiếp với từng bên liên quan chưa phải là cách tiếp cận duy nhất của ROSATOM. Tập đoàn này đã tạo lập các diễn đàn, tạo cơ hội để các bên liên quan, từ người dân, các chuyên gia, các nhà quản lý ngồi lại với nhau, thúc đẩy các hoạt động truyền thông. Các diễn đàn như vậy được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới, những nơi ROSATOM đặt qua hệ hợp tác, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Một hoạt động khác được ROSATOM coi trọng là tiếp cận với báo chí, vì cho đây là kênh quan trọng để tuyên truyền về năng lượng hạt nhân. Ở đây, thông tin được chia sẻ với báo chí như một bên liên quan, với hi vọng giới báo chí hiểu đúng, rõ và đầy đủ các thông điệp của ROSATOM. Các nhà báo sẽ đánh giá vấn đề và truyền đạt những thông tin này đến công chúng. Những hoạt động truyền thông tương tự cũng được tập đoàn này thực hiện ở Việt Nam.
Box: “Bất kỳ hoạt động truyền thông nào muốn đạt được sự thấu hiểu của công chúng cũng dựa trên 5 yếu tố: Minh bạch, rõ ràng, khả năng hiểu rõ vấn đề, ứng phó hỏi đáp nhanh, liên lạc trao đổi trực tiếp và mang tính sáng tạo” - Ông Arkady Karneev - Giám đốc truyền thông khu vực châu Á của ROSATOM.