Phát triển CSHT hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc 6 tỉnh miền núi
Ngày 10/8, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức hội nghị hoàn thiện đề xuất dự án Phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du Việt Bắc; đề xuất sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản (JICA).
Hiện nay đường giao thông ở các tỉnh miền núi vẫn đang là vấn đề đáng bàn. (Ảnh minh họa) |
Được biết hiện nay, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó đáng chú ý nhất là tỷ lệ nghèo tại các tỉnh miền núi, trung du Việt Bắc vẫn cao nhất cả nước.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân: Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sự biến đổi khí hậu gây ra mưa lũ, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi... Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu từ thôn, bản đến trung tâm các xã, thị trấn còn thiếu thốn và nhiều khó khăn.
Quan trọng là các tỉnh miền núi, trung du Việt Bắc lại chưa có đủ nguồn lực đầu tư tập trung cho vùng đồng bào dân tộc.
Chính vì vậy, dự án Phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du Việt Bắc với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, thu nhập, thay đổi tư duy, tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thông qua xây dựng và cải tạo, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: đường giao thông, cầu, các công trình thủy lợi, nước sạch, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển tổng hợp cả về du lịch, phát triển làng nghề; nghiên cứu quy hoạch ổn định các khu dân cư, khu hành chính, sơ đồ cảnh báo các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cao; bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức chủ động của người dân và cộng đồng thích ứng có kế hoạch với biến đổi khí hậu.
Theo đó, dự án sẽ được áp dụng thực hiện trong phạm vi 6 tỉnh miền núi, trung du Việt Bắc, những vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ nghèo cao, thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… bao gồm: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Dự án có tổng vốn đề xuất là 170 triệu USD, trong đó vốn vay JICA là 150 triệu USD, vốn đối ứng tương đương 20 triệu USD.
Dự án sẽ được chuẩn bị từ năm 2018-2020 và thực hiện trong 05 năm (2021-2025). Toàn bộ nguồn vốn ODA (vốn vay và viện trợ không hoàn lại) được sử dụng hoàn toàn cho hạng mục đầu tư vào công trình và được Bộ Tài chính giải ngân trực tiếp cho các tỉnh.
Vốn đối ứng được sử dụng cho các hoạt động chi thường xuyên, gồm: quản lý dự án, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, kiểm toán, quyết toán, thiết bị văn phòng và chi khác…
Dự án sẽ được thực hiện theo phân cấp triệt để cho các địa phương và được yêu cầu tham vấn rộng rãi tới người dân vùng hưởng lợi, dựa trên bài học quản lý của các dự án và chính sách của JICA đã được thực hiện thành công ở Việt Nam và các quốc gia khác.
Ủy ban Dân tộc thực hiện với vai trò điều phối dự án cấp Trung ương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay và tiến độ dự án.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án là cần thiết và cấp bách. Nếu thực hiện thành công dự án, đồng bào DTTS sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, nếu không quan tâm đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS thì Việt Nam sẽ rất khó hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi đây là vùng khó khăn nhất của cả nước.
Do đó việc triển khai thực hiện dự án là vô cùng cần thiết để phát triển vùng đồng bào DTTS.