Phát sốt, bỏng rộp sau khi đập trúng kiến ba khoang
Cứ khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm, gia đình anh N.T.V (45 tuổi, TP.HCM) lại mệt mỏi vì sự xuất hiện của kiến ba khoang. Hầu như mỗi đêm, anh V. đều bắt được 3-4 con kiến ba khoang trong phòng ngủ và phòng tắm. Thế nhưng, tai nạn vẫn không tránh khỏi.
“Buổi sáng thức dậy tôi thấy vùng vai phải bị rát đỏ nhưng không nghĩ bị dính chất độc của kiến. Hôm sau, vai rộp lên như bị bỏng. Tôi vội nhai đậu xanh đắp lên giống như kinh nghiệm chữa "dời leo" nhưng không đỡ. Vết thương lan rộng đến phát sốt, toàn bộ vai và phần cổ sưng, rộp, đau nhức, có chỗ bưng mủ”, anh Vinh kể.
Qua thăm khám, bác sĩ ở phòng khám tư nhận định anh bị viêm da tiếp xúc nặng vì độc tố của kiến ba khoang. Gần một tuần uống và bôi thuốc, vết thương của anh dịu và lành dần. Anh V. xác nhận nhiều ngày trước đã vô tình đập trúng kiến ba khoang khi thấy nhột nhột trên vai.
"Đây là lần thứ 4 tôi bị bỏng vì kiến ba khoang, cũng là lần nặng nhất", anh nói.
Theo bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, kiến ba khoang chủ yếu sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Vào mùa mưa, kiến ba khoang lại bùng phát.
Bác sĩ Hưng cho hay độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh, có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da). Tuy nhiên, chỉ khi chúng bị tác động, chà xát hay bị giết mới giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederine.
Paederin gây phồng rộp rất mạnh và gây phản ứng viêm da khoảng 12-24 giờ sau khi tiếp xúc. Các phản ứng trên da tùy thuộc vào hàm lượng độc tố, thời gian tiếp xúc và đặc điểm da của từng người, thường gặp ở vùng da hở.
Trường hợp tiếp xúc nhẹ, người bệnh xuất hiện ban đỏ trong vài ngày. Ở mức độ vừa, ban đỏ tiến triển thành mụn nước, mụn mủ hoặc bọng nước, sau đó khô dần, bong tróc vảy.
Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị phồng rộp từng mảng lớn hơn, kèm theo sốt, đau rát thần kinh, đau khớp, nôn… Người bệnh cần được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ khuyến cáo khi gặp kiến ba khoang, người dân không nên chà xát mà dùng giấy gói lại rồi vứt đi. Vùng da tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa với xà phòng và nước. Quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến ba khoang cần được giặt thật kỹ.
Lưu ý, tránh thu hút loại côn trùng này bằng đèn sáng. Nên đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm.
Linh Giao