Phát huy vai trò báo chí, hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
Đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có khoảng 1,3 triệu người, chiếm gần 7% dân số trong vùng. |
Đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có khoảng 1,3 triệu người (chiếm gần 7% dân số trong vùng), sống tập trung ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, một bộ phận sống ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống người dân trong vùng đồng bào Khmer.
Thể chế hóa những chủ trương của Đảng, những năm qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, trong đó có đồng bào Khmer, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện và nâng cao. Ở nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình hợp tác sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nông dân Khmer vượt khó, thoát nghèo được biểu dương…
Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm qua, hệ thống báo chí tiếng Việt và tiếng Khmer ở vùng Tây Nam Bộ không ngừng phát triển cả về hình thức lẫn nội dung tuyên truyền trên các loại hình báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Đội ngũ những người làm báo tiếng Khmer không ngừng phát triển, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Các phương thức thông tin thông qua các chương trình, ấn phẩm tiếng Khmer ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào Khmer.
Hiện nay, ở vùng Tây Nam Bộ, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ phát sóng chương trình tiếng Khmer với thời lượng 6,5 giờ mỗi ngày trên kênh VTV Cần Thơ 2. Nội dung phát sóng gồm: thời sự, các chuyên đề, chương trình văn nghệ, phim truyện. Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng tiếng Khmer 4 lần/ngày, với thời lượng 4 giờ, gồm các chương trình: thời sự, khoa học và đời sống, thầy thuốc với thính giả, kiến thức trong cuộc sống, ca nhạc theo yêu cầu,… và chương trình từ đài phát thanh - truyền hình các địa phương trong vùng gửi đến. Ngoài ra, còn có 8 chương trình truyền hình tiếng Khmer, 8 chương trình phát thanh tiếng Khmer và 5 tờ báo Khmer ngữ của các cơ quan báo, đài các tỉnh, thành trong vùng.
Những năm gần đây, Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… không ngừng cải tiến, đổi mới trong việc sản xuất các chương trình, chuyên mục phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, tăng dần thời lượng phát sóng, mở thêm các kênh truyền thông mới, mở rộng diện phủ sóng phát thanh - truyền hình tới các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer.
Báo Cần Thơ Khmer ngữ, báo Trà Vinh Khmer ngữ đều tăng kỳ và số trang, ngoài ra, chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 975/QĐ-TTg và Quyết định số 2472/ QĐ-TTg giúp nhiều ấn phẩm báo chí đã đến được với đồng bào Khmer. Sự phát triển của báo chí tiếng Khmer đã tạo được sự đón nhận, quan tâm ủng hộ và tin tưởng của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer trong vùng.
Hệ thống báo chí tiếng Khmer ngày càng phát triển đã góp phần rất quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần trong vùng có đông đồng bào Khmer, tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng và đồng bào Khmer. Nhờ đó, giúp đồng bào nắm bắt nhanh, nhận thức đúng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, báo chí cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giúp đồng bào nâng cao tri thức, trình độ dân trí, hiểu biết và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần và góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Các chương trình truyền hình, phát thanh, báo chí tiếng Khmer ngày càng phát triển; thời lượng và chất lượng phát sóng trên đài và những chuyên mục, thông tin trên các báo bằng tiếng Khmer ngày càng nâng cao; các hình thức truyền thông đại chúng ngày càng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để thông tin được cung cấp ngày càng sâu rộng đến từng ấp, khu phố, từng hộ gia đình thông qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình, báo chí…
Những nỗ lực đó đã giúp cho nhiều đồng bào Khmer ở vùng nông thôn, vùng sâu dù không có điều kiện đi đến các nơi khác để tham quan, học tập kinh nghiệm, nhưng nhờ nghe, xem, đọc các chương trình, ấn phẩm tiếng Khmer trên đài, báo đã học được cách làm những việc tốt, cách chăn nuôi, làm lúa, trồng màu đạt hiệu quả cao,… Nhờ đó, từng bước xóa đói, thoát nghèo, vươn lên khá giàu, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.