Phát hiện và bắt giữ hơn 270 vụ hoạt động mại dâm năm 2017
Có thể nói, công tác phòng chống các hoạt động liên quan đến mại dâm ngày càng trở nên khó khăn. Bởi lẽ, các đối tượng hạt động mại dâm rất tinh vi và hoạt động phức tạp dưới những vỏ bọc là nhân viên, tiếp viên, kỹ thuật viên của các loại dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán cà phê, cở sở massage, spa.
Hoạt động mại dâm còn núp bóng kinh doanh cà phê, nhà hàng, tiệm hớt tóc, massage xông hơi, spa, cạo gió giác hơi…
Liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2017, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm cho biết:
Thời gian qua, với công tác điều tra cơ bản, Công an các địa phương đã rà soát 6.617 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (như cơ sở karaoke, mát-xa, vũ trường, nhà hàng, spa…) nghi hoạt động mại dâm và 4.792 nhân viên nữ nghi hoạt động mại dâm. Lập hồ sơ quản lý 819 đối tượng có biểu hiện chứa mại dâm, 649 đối tượng có biểu hiện môi giới mại dâm.
Để triệt phá các ổ mại dâm, thời gian tới, chúng ta cần quán triệt công tác đăng ký mới các cơ sở dịch vụ nhạy cảm (vũ trường, quán bar, mát-xa, spa…). Đây được cho là một trong những giải pháp tình thế, nhằm góp phần giảm tệ nạn mại dâm, vì các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vẫn đang là điểm "nóng" về hoạt động mại dâm.
Bên cạnh đó, để phòng chống tệ nạn mại dâm tốt nhất cần có sự trợ giúp từ cộng đồng và giải quyết việc làm cho những người từ bỏ nghề mại dâm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Theo nghiên cứu, hầu hết những cô gái hoạt động mại dâm là người có học vấn thấp, trình độ kém. Như vậy, kể cả sau khi họ từ bỏ mại dâm thì cũng khó có cơ hội có một việc làm ổn định. Và rồi họ lại quay trở lại hoạt động mại dâm. Đó là một trăn trở lớn từ những người công tác lâu năm trong vấn đề phòng chống tệ nạn mại dâm.
Tình hình hoạt động mại dâm vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp (ảnh minh họa) |
Liên quan đến công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178/CP của các địa phương đã tiến hành kiểm tra gần 4.100 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Qua đó, đã phát hiện trên 690 cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 239 cơ sở, phạt tiền 422 cơ sở và 27 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm...
Bên cạnh đó, đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm cùng đã kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, qua công tác đấu tranh, truy quét, triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm. Trong quá trình hoạt động, các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và bắt giữ hơn 270 vụ với gần 490 đối tượng, trong đó có 246 người bán dâm, 142 người mua dâm, hơn 100 người là chủ chứa, môi giới và các đối tượng liên quan; xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm hơn 440 trường hợp, xử lý hình sự gần 80 đối tượng (gồm 23 đối tượng chứa mại dâm và 55 đối tượng môi giới mại dâm).
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động giám sát chặt chẽ hơn nữa về công tác phòng chống mại dâm tại các tỉnh thành. Đồng thời, xây dựng thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS...
Theo đó, đến nay có 27 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì các mô hình về phòng, chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, giúp 807 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ các mô hình.
Hiện nayquan điểm xã hội về mại dâm đã có sự chuyển biến về phương pháp tiếp cận theo hướng nhân văn hơn, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với người bán dâm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức, đẩy mạnh can thiệp giảm hại đối với nhóm người bám dâm, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở cộng đồng.