Mỹ thừa nhận cuộc tấn công bằng UAV ở Kabul giết nhầm 10 dân thường
Mỹ thừa nhận 10 dân thường bao gồm 7 trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng UAV của nước này ở Kabul.
Sau vài tuần khẳng định vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở Kabul hôm 29/8 đã tiêu diệt được 1 tên khủng bố ISIS-K, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thừa nhận 10 nạn nhân thiệt mạng tất cả đều là dân thường bao gồm 7 trẻ em. Tuy nhiên, CENTCOM không nhắc tới việc ai sẽ bị kỷ luật khi để xảy ra sai sót nghiêm trọng này.
Nạn nhân bị giết nhầm trong vụ tấn công bằng UAV của Mỹ ở Kabul có 7 trẻ em. (Ảnh: RT) |
Tướng thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, người đứng đầu CENTCOM, đã đưa ra thông báo hôm 17/9 rằng tên lửa Hellfire phóng vào ngôi nhà ở thủ đô Kabul ngay trước thời điểm Mỹ hoàn thành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan đã không sát hại được bất cứ tên khủng bố nào của ISIS-K, chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hoạt động tại Afghanistan.
Vụ tấn công bằng UAV ở Kabul “là sai lầm”. Ông McKenzie thừa nhận “10 dân thường bao gồm 7 trẻ em đã thiệt mạng”.
“Vụ không kích được thực hiện với niềm tin sẽ ngăn chặn mối đe dọa tiềm tàng vào lực lượng của chúng tôi, nhưng cuối cùng đó lại là một sai lầm. Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của các nạn nhân", RT dẫn lời Tướng McKenzie.
Ông McKenzie nhấn mạnh, quyết định tiến hành tấn công bằng UAV được đưa ra sau “hơn 60 bản báo cáo tình báo” nhắc tới mối đe dọa sắp xảy ra từ ISIS-K, nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công vào sân bay Kabul hôm 26/8 khiến 13 binh sĩ Mỹ cùng 170 dân thường Afghanistan thiệt mạng.
Cũng theo ông McKenzie, 6 UAV của Mỹ giám sát thủ đô Kabul và nhiều báo cáo tình báo khác cũng nói rằng chiếc ô tô màu trắng Toyota Corolla được dùng làm xe bom.
Trước đó, vào ngày 1/9, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, còn nhấn mạnh đã có “vụ nổ thứ 2” xuất hiện sau khi UAV Mỹ tấn công và điều này chứng minh trong xe ô tô có chứa thuốc nổ.
Tuy nhiên, cuộc điều tra được tờ New York Times công bố hôm 10/9 lại cho biết không có bất cứ dấu vết nào về vụ nổ thứ hai ở trong sân của ngôi nhà bị UAV Mỹ tấn công.
Chiếc ô tô mà Mỹ cho là xe bom là của anh Zemari Ahmadi, người từng làm việc cho tổ chức nhân đạo của Mỹ chuyên hỗ trợ thực phẩm cho người dân Afghanistan trong 14 năm, chứ không phải là tay súng khủng bố của ISIS-K. Anh Ahmadi đang trên đường chở về nhà và chở theo các can đựng nước trong xe ô tô, chứ không phải là thuốc nổ như CENTCOM công bố. Thậm chí, anh Ahmadi từng xin được cấp visa để đưa cả gia đình tới Mỹ sinh sống.
Sau 20 năm tham chiến, Mỹ đã rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan vào ngày 30/8. Dù Mỹ đã cho sơ tán hơn 124.000 người, nhưng hiện vẫn còn hơn 100 công dân Mỹ bị bỏ lại ở Afghanistan cùng với hàng ngàn người Afghanistan từng làm việc cho chính phủ được Mỹ hậu thuẫn suốt 20 năm trước khi bị Taliban lật đổ.
Taliban sẽ lấy tiền ở đâu để điều hành Afghanistan khi bị Mỹ bỏ mặc?
Đối với Taliban, giành chiến thắng trên chiến trường dường như dễ dàng hơn điều hành Afghanistan nhất là những thách thức về tài chính.
Minh Thu (lược dịch)