Pháp dậy sóng vì chính phủ duyệt cải cách hưu trí không qua bỏ phiếu ở quốc hội
Động thái trên sẽ đảm bảo dự luật tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, lên 64 tuổi được phê duyệt sau nhiều tuần vấp phải sự phản đối và tranh luận gay gắt. Giới quan sát nhận định, diễn biến cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông không giành được đa số ủng hộ trong Quốc hội.
Theo Reuters, Thủ tướng Borne đã đối mặt với những tiếng la ó phản đối khi bước vào phòng họp của Hạ viện hôm 16/3 và thông báo rằng bà sẽ viện dẫn điều 49.3 trong Hiến pháp để bỏ qua việc bỏ phiếu phê duyệt các biện pháp cải cách.
Phiên họp phải tạm dừng trong 2 phút sau khi các nhà lập pháp cánh tả hát quốc ca để ngăn cản bà Borne phát biểu. Một số chính khách cầm biểu ngữ ghi "Không chấp nhận 64 tuổi". Khi phiên họp nối lại, nữ Thủ tướng tiếp tục phát biểu nhưng phần lớn bài diễn văn bị những tiếng hô hào, la ó át đi.
Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu tuyên bố động thái vào phút cuối này là “một dấu hiệu bất thường của sự yếu đuối”, đồng thời yêu cầu bà Borne phải từ chức. Song, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1, khi được hỏi về khả năng ra đi, bà Borne nói bà còn nhiều việc phải làm phía trước.
Các cuộc thăm dò dư luận phản ánh, đại đa số cử tri cũng như các công đoàn không tán thành cải cách hưu trí. Họ lập luận rằng, vẫn có nhiều cách khác để cân bằng ngân sách, bao gồm cả việc đánh thuế nhiều hơn đối với người giàu.
Một số cuộc biểu tình tự phát của khoảng 7.000 người đã kéo dài qua đêm tại quảng trường Concorde, đối diện tòa nhà quốc hội ở bên kia sông Seine tại thủ đô Paris. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay nhằm giải tán đám đông khi một số người biểu tình ném đá. Ở một số thành phố khác của Pháp cũng xuất hiện những cuộc biểu tình tự phát chống lại cải cách.
Tuấn Anh