Phấn đấu 2016-2020: Mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo dân tộc thiểu số
Theo đó, trong báo cáo số 34/BC-UBDT tổng kết công tác dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020; phần Phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc 2016-2020 đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như sau:
Bình quân mỗi năm giảm 3% - 4% hộ nghèo DTTS. Xóa nhà ở dột nát, trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 2,5 lần so với hiện nay.
Trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính nhà nước vùng DTTS phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người DTTS; ở cơ quan lãnh đạo các cấp nhất thiết phải có cán bộ là người DTTS, địa phương vùng DT&MN có cán bộ chủ chốt là người DTTS.
100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; trên 95% hộ sử dụng điện thường xuyên; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 40% trở lên số hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt mức 60lit/người/ngày; trên 45% hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh; các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; internet đến hầu hết các thôn, bản. 100% hộ DTTS được xem truyền hình; trên 90% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trên 70% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, trong đó 50% đạt trình độ chuẩn hóa; 50% lao động trong độ tuổi người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trong đó ít nhất 20% được đào tạo nghề; 100% trường học PTDT nội trú được kiên cố, có nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh; duy trì 100% xã phổ cập giáo dục tiểu học, trên 95% trẻ em DTTS đi học đúng tuổi bậc tiểu học; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 50% lao động xã hội...
Để có thể đạt được những chỉ tiêu ấy, báo cáo cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2020
Thứ nhất, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững vùng dân tộc và miền núi.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc và miền núi.
Thứ 3, phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Thứ 4, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng dân tộc và miền núi.
Thứ 5, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, củng cố an ninh nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Thứ 6, tập trung đầu tư phát triển địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi.
Huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đặc thù, các chương trình phát triển KT-XH ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản ĐBKK. Sửa đổi tiêu chí phân định địa bàn vùng DT&MN theo trình độ phát triển phù hợp với chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều để có chính sách bố trí nguồn lực đầu tư cho phù hợp. Đối với những địa bàn DTTS quá khó khăn, không thể sản xuất được, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ổn định lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết để người dân yên tâm giữ gìn tài nguyên, bảo vệ an ninh biên giới.
Đối với vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các chính sách phát triển KT-XH vùng DT&MN theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Tập trung giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS và hệ thống chính trị cơ sở.
Đánh giá các chính sách đã thực hiện trong việc đầu tư cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường trong vùng DTTS; xác định nhu cầu, đề xuất chính sách để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, đảm bảo đủ nước sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Hỗ trợ người dân vùng DT&MN trong việc xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ 7, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở.
Thực hiện chuyển đổi UBDT thành Bộ Dân tộc, chuyển các Ban Dân tộc thành Sở Dân tộc cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy làm CTDT trong tình hình mới. Xây dựng Học viện Dân tộc chuyên đào tạo đội ngũ trí thức, cán bộ vùng DTTS, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện xây dựng Trụ sở UBDT và ổn định nơi làm việc, cơ sở vật chất của các Vụ địa phương; chuẩn bị xây dựng khu liên cơ quan hành chính sự nghiệp của UBDT. Có chính sách luân chuyển và đãi ngộ thỏa đáng cán bộ làm CTDT từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ là người DTTS.