Phái đoàn 50 doanh nghiệp EU sắp sang Việt Nam
Ngài Franz Jessen cho hay: "Ngày 12 - 13/11 sắp tới, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu kiêm Uỷ viên phụ trách công nghiệp và doanh nghiệp Antonio Tajani sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp EU rất quan tâm và mong muốn mở rộng hợp tác kinh doanh với Việt Nam".
Ngài Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết phái đoàn 50 doanh nghiệp châu Âu do Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu kiêm Uỷ viên phụ trách công nghiệp và doanh nghiệp Antonio Tajani dẫn đầu sắp đến Việt Nam (Ảnh: HC) |
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tháng 6/2012, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), mở ra một khuôn khổ hợp tác mới sâu rộng và toàn diện hơn giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên. Trong thời gian tới, cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên sẽ còn được mở rộng hơn nữa với việc đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
"Khi Hiệp định FTA được ký kết, hàng Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn để thâm nhập thị trường châu Âu. Hiện nay 40% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU được hưởng thuế suất 0%, khi FTA có hiệu lực sẽ có 90% các mặt hàng có thuế suất bằng 0%!" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay.
Hội thảo "Quy chế GSP mới của EU - Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 27/9 (Ảnh: HC) |
Đối với GSP (quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập đơn phương của EU dành ưu đãi về thuế nhập khẩu cho hàng hoá có xuất xứ từ các nước đang phát triển xuất khẩu vào EU), Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, ngày 31/10/2012, EU đã thông qua quy chế GSP mới có hiệu lực 10 năm, áp dụng kể từ ngày 1/1/2014. So với trước đây, quy chế này giảm số lượng các nước được hưởng ưu đãi GSP từ 176 nước xuống còn 89 nước, trong đó có Việt Nam. Ngày 17/12/2012, Uỷ ban Châu Âu thông qua danh sách các lĩnh vực trưởng thành cho giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, Việt Nam được hưởng GSP đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đây từng bị xếp vào nhóm trưởng thành.
Theo Đại sứ Franz Jessen, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU một phần là do các sản phẩm của Việt Nam được hưởng lợi từ GSP. Chẳng hạn, khoảng 49% doanh nghiệp xuất khẩu hàng giày da vào thị trường EU đã được hưởng ưu đãi thuế quan thông qua GSP. Từ năm 2014 trở đi, một số mặt hàng xuất khẩu, trong đó có cả mặt hàng giày da, còn được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều hơn thông qua GSP mới, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực truyền thống. Điều cốt yếu là Chính phủ và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hiểu thật rõ những cơ hội mà GSP mới của EU mang lại.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: "Bên cạnh những thuận lợi, quy chế GSP mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa và chiến lược kinh doanh lâu dài để có thể phát triển bền vững!" - Ảnh: HC |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh: "Quy chế GSP mới sẽ có những tác động quan trọng đối với Việt Nam. Nếu biết tận dụng, GSP sẽ giúp Việt Nam gia tăng sản xuất và xuất khẩu vào EU, qua đó thúc đẩy công nghiệp hoá, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quy chế GSP mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa và chiến lược kinh doanh lâu dài để có thể phát triển bền vững".
Do vậy, cuộc hội thảo "Quy chế GSP mới của EU - Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam" được Bộ Ngoại giao phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) cùng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng nhằm thông tin cho các doanh nghiệp. về quy chế GSP mới của EU và tác động đối với Việt Nam. Các chuyên gia của EU và Việt Nam cũng giải đáp nhiều thắc mắc để các nhà xuất khẩu Việt Nam vận dụng GSP mới một cách có hiệu quả.