PGS.TS Trần Thành Nam: "Thực tế đáng buồn là xã hội phương Đông đang kỳ thị người độc thân"
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, giới trẻ chọn sống độc thân hoặc yêu nhưng không kết hôn ngày càng nhiều vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Xu hướng người trẻ "lười yêu, ngại kết hôn" ngày càng trở nên phổ biến, trở thành một vấn đề đau đầu trong nhiều gia đình hiện nay. Thậm chí, trên mạng xã hội còn xuất hiện những cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề này, có chàng trai ngoài 30 tuổi tuyên bố sống độc thân tới già rồi vào viện dưỡng lão để đáp lại những lời giục giã lấy vợ của mẹ mình...
Để có cái nhìn khách quan hơn, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) về những nguyên nhân chủ quan và khách quan cũng như hướng khắc phục tình trạng trên.
Xin chào PGS. TS Trần Thành Nam! Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn cuộc sống độc thân, thậm chí yêu nhưng không cưới. Vậy theo anh, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này?
Theo tôi có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất là con số các mối quan hệ kết thúc bằng ly hôn gần như tăng lên gấp 3 lần so với 40 năm trước đây. Có rất nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị khiến nhiều người nghi ngờ tính bền vững, ngại ngần với việc đăng ký kết hôn.
Xu hướng sống độc thân, sống trong mối quan hệ yêu đương của cặp đôi nhưng không tiến tới hôn nhân sẽ ngày càng tăng. Nguyên nhân có thể vì những áp lực và khó khăn kinh tế với những người trẻ sẽ ngày càng lớn khiến tỉ lệ trì hoãn việc kết hôn càng cao cho đến khi cảm thấy an toàn về tài chính.
Thực tế đang chứng minh tuổi kết hôn lần đầu của những người trẻ đang tăng lên rất nhanh. Rồi sự cởi mở của xã hội với các quan hệ sống thử trước hôn nhân khiến cho các mối quan hệ không cam kết cũng tăng. Và tỉ lệ cá nhân sợ hãi hôn nhân do nhìn thấy các mối quan hệ gẫy vỡ do ly thân, ly hôn từ bạn bè và người thân của mình cũng đang ngày một tăng cao.
Ngoài ra, có nhiều người sống độc thân mặc dù họ không chống lại hôn nhân. Đơn giản vì họ vẫn là những đứa trẻ trong hình hài người lớn. Họ không hiểu tâm lý của nửa thế giới còn lại nên không biết cách nói chuyện và hẹn hò thế nào.
Họ thu mình trong vỏ ốc của bản thân mà không chịu mở lòng. Họ không biết duy trì một mối quan hệ tôn trọng và yêu thương lẫn nhau như thế nào. Có những người đã trải qua sự phản bội nên ám ảnh dẫn đến mất niềm tin vào tình yêu. Có những người chọn không kết hôn vì lý do tôn giáo.
Trong khi đó, có rất nhiều tấm gương những người độc thân thành đạt, có địa vị xã hội, có nhà cửa, có trình độ học vấn cao đang thay đổi những quan niệm tiêu cực về người độc thân trong xã hội trước đây là những người kỳ quặc, khó tính, không có vị trí và không thể thành công.
PGS.TS Trần Thành Nam |
Theo anh thì lối sống độc thân có phù hợp trong xã hội hiện nay không?
Thực tế thì xã hội phương Đông của chúng ta có xu hướng kỳ thị những người độc thân, không lập gia đình.
Việc không chịu lập gia đình nhiều khi còn bị đánh đồng với việc “không chịu trưởng thành” thậm chí còn bị gán ý nghĩa “bất hiếu” vì không thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình.
Nhưng có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống với cuộc hôn nhân chưa chắc đã hạnh phúc hơn những người sống độc thân. Vì tập trung toàn bộ vào công việc nên nhiều người độc thân thành công và có sức ảnh hưởng xã hội lớn.
Anh có nghĩ rằng lối sống độc thân như vậy là ích kỷ, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân không?
Lối sống độc thân hiện tại phản ánh xu thế tôn trọng chủ nghĩa cá nhân, đề cao đến quyền tự chủ và khả năng ra quyết định của cá nhân trong những tình huống khác nhau để sống tự do theo ý chí và nguyên tắc của họ. Vậy nên dù muốn hay không thì xã hội cũng phải chấp nhận.
Hình như giới trẻ đang có một khẩu hiệu đấy: “Ế là một xu thế, một lối sống tinh tế, một vấn đề quốc tế”. Không biết bạn có nghe bao giờ chưa nhỉ?
Nhiều cô gái trẻ cho rằng, hiện nay xã hội chưa hoàn toàn bình đẳng giới, trách nhiệm của phụ nữ còn quá nặng nề, trong khi bản thân họ ngày càng vững vàng về kinh tế, có chỗ đứng trong xã hội nên họ chẳng dại gì mà kết hôn, “rước” cái cực vào thân. Anh nghĩ sao về điều này?
Cùng với chủ nghĩa cá nhân, phong trào nữ quyền khắp nơi lên cao khiến xu hướng phụ nữ sinh con muộn hơn. Việc gia tăng sức ép kinh tế lên gia đình, cơ hội việc làm dành cho nữ giới, vị trí xã hội dành cho nữ giới cũng rộng mở hơn khiến chị em có xu hướng tập trung hơn vào sự nghiệp cá nhân.
Nhiều người trải nghiệm cuộc sống độc lập và cảm thấy thế là đủ. Họ cảm nhận hạnh phúc với những cuộc phiêu lưu bên người thân, dành thời gian cho những cuộc tám chuyện bên tách trà, những lớp học yoga, những buổi tiệc khiêu vũ hay những chuyến du lịch trong những khung cảnh mộng mơ thay vì loay hoay toát mồ hôi với những trách nhiệm dâu con trong nhà hay nấu nướng trong bếp.
Việc người trẻ có quan điểm không kết hôn sẽ để lại hậu quả gì tác động đến xã hội?
Sẽ có nhiều hậu quả ảnh hưởng đến dân số vĩ mô, ví dụ như góp phần làm già hóa dân số nhanh hơn.
Sự sụt giảm tỉ lệ sinh song hành với tỉ lệ người độc thân sẽ khiến dân số sụt giảm và thiếu nhân lực lao động và nền kinh tế sẽ không thể vận hành bình thường.
Đó là chưa kể để đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm người cao tuổi, gánh nặng lao động ngày càng dồn lên vai thế hệ trẻ.
Trước thực trạng trên, theo anh các cơ quan chức năng nên có những chính sách hay hỗ trợ gì để người trẻ cảm thấy vơi bớt áp lực?
Nhà nước nếu nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng thì cần có những hỗ trợ cụ thể trong việc xây dựng các diễn đàn tư vấn tiền hôn nhân cho thế hệ trẻ. Từ đó giúp thay đổi những quan niệm về hôn nhân truyền thống với vai trò đàn ông là làm chồng, làm cha, làm người trụ cột trong gia đình, người mạnh hơn về tình dục, người lên kế hoạch tài chính và sửa chữa các đồ dùng trong gia đình... còn vai trò truyền thống của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ, gây dựng tổ ấm, đón nhận tình dục, chăm sóc con cái và chăm nom việc nhà....
Quan niệm đó sẽ phải chuyển sang mô hình hôn nhân hiện đại tập trung vào sự bình đẳng và quyền được lựa chọn của cả vợ và chồng. Tình bạn, tình yêu, sự đam mê và những cam kết tự giác sẽ trở thành những yếu tố tác động rất mạnh đến việc duy trì hôn nhân gia đình.
Có cách nào để thay đổi quan điểm của những người độc thân, giúp họ "thoát ế" không?
Thực tế thì sống độc thân là một lựa chọn. Tuy nhiên, một nửa hoàn hảo của chúng ta không chỉ là do may mắn tìm thấy mà phải được chúng ta góp phần tạo ra.
Để tạo thành một cặp đôi, mỗi cá nhân phải cùng tạo ra và thực hành những nguyên tắc, ví dụ như luôn tin rằng người kia có động cơ tốt, tin rằng mọi bất hòa rồi đều sẽ được hai người giải quyết...
Cá nhân nên thực hành những ứng xử tích cực khi gặp ấm ức, chịu trách nhiệm về hành động của mình, biết giao tiếp cởi mở và khuyến khích lẫn nhau, chấp nhận và thấu cảm, tôn trọng và bình đẳng trong mối quan hệ.
Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam về những chia sẻ này!
Nhà văn Lê Thanh Ngân: Giải pháp cho "hội độc thân" không phải ép lên phường ký giấy!
Một số người cho rằng lối sống độc thân hoặc yêu đương mà không kết hôn, thậm chí xác định tuổi già sẽ vào viện dưỡng lão của một bộ phận giới trẻ là sự ích kỷ, sai trái. Sự thật có phải như vậy?
Mai Phương