Ông Lavrov nói về những nỗ lực “phá” Dòng chảy phương Bắc 2
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói về những nỗ lực “phá” Dòng chảy phương Bắc 2 |
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Rheinische Post của Đức.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án hoàn toàn mang tính thương mại được thiết kế để tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi không hiểu lắm những nỗ lực dai dẳng của một số lực lượng cản trở việc thực hiện dự án. Đây là cách chúng tôi nghĩ về các sửa đổi đối với Chỉ thị khí đốt của Liên minh châu Âu đã có hiệu lực vào từ ngày 23/5.
Những sửa đối này thực sự vi phạm nguyên tắc cơ bản là bảo vệ nhà đầu tư khỏi những sự thay đổi trong luật pháp của nước chủ dự án. Chúng tôi không nghi ngờ rằng những sửa đổi này chỉ được hình thành để ngăn chặn việc hoàn thành xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2”.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhắc nhở rằng việc xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đang được tiến hành theo kế hoạch, khoảng 60% tổng chiều dài của đường ống dẫn khí đã được đặt và chi phí vốn cho việc thực hiện được tài trợ hơn 80%.
Trước đó, nhận định trên trên tờ LedomOpinion, nhà kinh tế và cựu chuyên viên cấp cao của Tổng cục Kho bạc Pháp, Sebastian Koschar cho rằng nếu Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine, các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng khí đốt" nghiêm trọng vào mùa Đông tới.
Trong trường hợp này, theo ông Koshar, các nước châu Âu đối mặt với sự gián đoạn khí đốt, điều này sẽ dẫn đến việc giá tăng đáng kể. Đồng thời, ông nhấn mạnh khí hóa lỏng của Mỹ khó có thể giải quyết vấn đề do chi phí quá cao.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.