Ông Đặng Lê Nguyên Vũ miễn nhiệm chức Phó TGĐ của bà Thảo có đúng luật?
Theo kết luận tại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, hai cơ quan này đã tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên; Khôi phục lại chức danh Phó TGĐ Thường trực Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Tuy nhiên, ngay sau khi có bản án phúc thẩm, ông Vũ lấy tư cách Tổng giám đốc để tiếp tục miễn nhiệm bà Thảo.
Với diễn biến này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định: "Sau khi tôi được khôi phục chức vụ thì nếu các cá nhân, nhóm người nào cản trở quyền hợp pháp tôi tại Trung Nguyên nghĩa là không chấp nhận bản án, không chấp hành quy định của Tòa án. Khi đó tôi có quyền đề nghị xử lý hình sự các đối tượng này, nếu có, theo quy định của pháp luật hiện hành".
Đáng chú ý, điểm khác biệt là trước đây ông Vũ lấy tư cách Chủ tịch HĐQT để miễn nhiệm bà Thảo, còn lần này, ông dùng tư cách Tổng Giám đốc để miễn nhiệm bà Thảo.
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Trưởng Văn phòng Luật sư Hợp danh Thiên Thanh, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định:
“Bà Thảo giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Trung Nguyên. Căn cứ Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014, trong trường hợp này chỉ Đại hội đồng cổ đông mới có quyền miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị. Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác đối với chức vụ Phó Tổng Giám đốc”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội. |
Với việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ không tuân thủ phán quyết của tòa án và vẫn tiếp tục miễn nhiệm bà Thảo, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu quan điểm cho rằng việc này “đương nhiên là vi phạm quy định của pháp luật” với lý do:
“Bởi vì bản án phúc thẩm của Tòa là bản án có hiệu lực pháp luật ngay từ ngày tuyên án. Mà Tòa án là cơ quan xét xử quyền lực của nhà nước Việt Nam , thực hiện quyền tư pháp cho nên quyết định của bản án phải được tuân theo”.
Tuy nhiên, Luật sư Truyền cũng cho rằng vấn đề nằm ở chỗ, việc không tuân thủ cũng phải xem xét trên cơ sở các bên đã có đơn đề nghị thi hành án hay chưa. Nếu có dấu hiệu của việc chống đối lại quyết định của bản án thông qua quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hoàn toàn có quyền sử dung hình thức cưỡng chế.
Tuy nhiên trong trường hợp này, để cưỡng chế cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Vì dấu hiệu bất tuân quyết định của Tòa đã có những thể hiện khá rõ ràng và thực tế việc quyết định khôi phục chức vụ chỉ về mặt hình thức còn về mặt thực tế sẽ rất khó khăn.
Trước đó, bên cạnh việc thông báo tiếp tục miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Trung Nguyên lên tiếng tố bà Thảo đã “liên tiếp thực hiện các hành vi sai trái vi phạm pháp luật có tính hệ thống” như: “Âm mưu chiếm đoạt Trung Nguyên thông qua việc tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự”; “Liên tục phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên trên mọi phương diện để buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nhượng bộ quyền quản lý, điều hành”; “Gây rối, đe dọa nhân viên và cộng sự của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuộc tranh giành tài sản và quyền quản lý, điều hành tại Trung Nguyên”.
Còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng lên tiếng trên facebook cá nhân: "Khi tôi vừa được Toà án khôi phục vị trí, ngay đêm hôm sau, Giám đốc Truyền thông của Trung Nguyên ra thông báo là Trung Nguyên đã ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh này.
Ở nơi nào mà một nhân viên quản lý ngang nhiên ký ban hành văn bản thay cho Tổng giám đốc để bôi nhọ và thông báo miễn nhiệm Phó tổng giám đốc thường trực vừa được pháp luật tuyên bố bảo vệ? Chỉ có thể ở một nơi đang mất kiểm soát nghiêm trọng, nơi mà nhóm thao túng tự đắc tin rằng họ có toàn quyền điều hành doanh nghiệp, có quyền chống lại toà án và công luận, và ngang nhiên vu khống bôi nhọ chính người sáng lập ra nó bằng mọi giá”.