Ông Abe sẵn sàng giúp người kế nhiệm đàm phán với Nga về hiệp ước hòa bình
Mới đây, ông Shinzo Abe hy vọng người đứng đầu chính phủ mới Yoshihide Suga sẽ tích cực đàm phán với Nga để ký kết hiệp ước hòa bình. Đồng thời, ông Abe cũng bảy tỏ sẵn sàng giúp đỡ ông Suga trong việc này.
Hôm 16/9, ông Suga chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nhật Bản, nơi Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền nắm đa số. Theo đó, ông Suga (71 tuổi) giành chiến thắng dễ dàng với 314 phiếu trên tổng 462 phiếu hợp lệ. Ông Suga (sinh ngày 6/12/1948, tại tỉnh Akita) là Thủ tướng cao tuổi nhất tại Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Kiichi Miyazawa lên nắm quyền vào năm 1991.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe và tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Ảnh: Reuters) |
“Các cuộc đàm phán trong đó lợi ích quốc gia là không hề đơn giản. Nhưng vấn đề lãnh thổ không thể bỏ mặc. Tôi hy vọng rằng dưới thời Thủ tướng Suga, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tích cực để ký kết hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga. Tôi sẽ tích cực giúp đỡ trong việc này với tư cách là một Nghị sĩ tư nhân”, ông Abe nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Yomiuri.
Cựu thủ tướng cũng cho hay, theo quan điểm của ông, “Tổng thống Putin cũng muốn giải quyết vấn đề của hiệp ước hòa bình trong trung hạn và tăng cường quan hệ với Nhật Bản”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trước khi thắng cử vị trí lãnh đạo đảng LDP, ông Suga cho rằng xây dựng mối quan hệ rộng và ổn định với các nước khác là rất quan trọng với Nhật Bản, trong đó có quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cần xem xét tình hình chung của thế giới.
Về ngoại giao cấp cao, trên quan điểm của ông Suga, mối quan hệ tin tưởng cá nhân giữa các lãnh đạo sẽ giúp quan hệ giữa các quốc gia trở nên gần gũi hơn. Theo ông Suga, việc thủ tướng lên tiếng và đàm phán trực tiếp tại các cuộc đối thoại đa phương sẽ giúp tăng cường sự thấu hiểu và ủng hộ của các nước khác với Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông bày tỏ sự lo ngại rằng sẽ khó “bắt kịp” thành tích của ông Abe trong việc xây dựng các mối quan hệ tin tưởng cá nhân với các nhà lãnh đạo thế giới. Giới quan sát cũng nhận định người kế nhiệm của Thủ tướng Abe chưa có đủ “kỹ năng ngoại giao”.
Trong nhiều năm, quan hệ giữa Nga và Nhật Bản bị “lu mờ” do không có hiệp ước hòa bình. Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản ký tuyên bố chung, trong đó Moscow đồng ý xem xét khả năng chuyển giao quần đảo Habomai và Shikotan cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình và số phận đảo Kunashir và Iturup không bị ảnh hưởng. Liên Xô hy vọng rằng tuyên bố chung sẽ chấm dứt tranh chấp, trong khi Nhật Bản chỉ coi văn kiện này là một phần của giải pháp cho vấn đề, không từ bỏ yêu sách đối với tất cả các đảo. Các cuộc đàm phán sau đó không dẫn đến bất cứ điều gì, một hiệp ước hòa bình vào cuối Thế chiến II không bao giờ được ký kết.
Tháng 11/2018, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây. Đây là một sự nhượng bộ nghiêm túc của phía Nhật Bản, vì cho đến nay quan điểm chính thức của nước này là yêu cầu trả lại bốn hòn đảo và chỉ sau đó mới ký kết một hiệp ước hòa bình.
Chuyên gia đánh giá triển vọng quan hệ Nga - Nhật thời hậu Shinzo Abe
Với sự xuất hiện của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, khó có thể mong đợi sự hồi phục trong quan hệ giữa Tokyo và Moscow, trong khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe có thể vẫn là người đứng đầu chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Thanh Bình (lược dịch)