Ở nơi cửa Phật cưu mang những mảnh đời bất hạnh
Thèm lắm tiếng gọi: Mẹ ơi!
Hãy chia sẻ với Infonet.vn những điều đẹp đẽ, những tấm gương bình thường mà cao quý bạn vô tình hay thường xuyên bắt gặp đâu đó thường ngày, những câu chuyện cảm động để cùng chúng tôi tiếp tục "bền bỉ đánh thức chuyện tử tế" trong mỗi giây cuộc sống.
Câu chuyện được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của TS.
Bài vở xin gửi về: toasoan@infonet.vn
Chùa hiện nuôi dưỡng 27 đứa trẻ, đưa lớn nhất đang học lớp 12 và nhỏ nhất mới được 1 tuổi. Tất cả các em đều là bé gái, đa phần là do bị ba mẹ bỏ rơi và được nhà chùa nhận nuôi dưỡng từ khi lọt lòng mẹ đến nay. Trông em nào cũng kháu khỉnh và đáng yêu dưới sự lo lắng dìu dắt của các sư cô.
Điều làm tôi bất ngờ và vô cùng xúc động khi nghe một em gái gọi "sư thầy" Thích nữ Tùng Tín bằng “Nội”. ("Sư thầy" cũng là cách gọi tôn kính của các ni cô và phật tử của chùa Bình An đối với Sư cô trụ trì Thích nữ Tùng Tín). "Sư thầy" tâm sự: “Từ khi mới sinh ra thì các bé đã không biết ai là người thân, cũng chẳng có cơ hội được gọi một tiếng mẹ hay một tiếng cha, các cháu đã mất mát rất nhiều về tình yêu thương của cha mẹ, nên để các cháu gọi thầy bằng “Nội” cũng là muốn mang tình yêu thương bù đắp cho các cháu, giúp các cháu thấy được ấm áp hơn và không bị tủi thân”.
Các em ở đây được đi học tại các trường công lập và học phí do nhà chùa lo. Việc đi học hàng ngày của các em đều có người đưa rước. Ở chùa cũng có một căn phòng học tập riêng dành cho các em, nhằm tạo điều kiện cho các em được vui chơi và học hành như các bạn cùng trang lứa.
"Sư thầy" Tùng Tín cho biết: “Nhà chùa sẽ lo cho các cháu ăn học đầy đủ cho đến khi trưởng thành, khi đó việc lựa chọn một hướng đi cho tương lai của mình là do các em quyết định, nhà chùa sẽ tôn trọng quyền của các cháu”.
Bé Cuội 5 tuổi trông rất đáng yêu, khi gặp người lạ bé khoanh tay chào hỏi lễ phép rồi đọc kinh Phật làu làu dù giọng còn chưa tròn vành rõ chữ. Hoàn cảnh của bé rất đáng thương, mẹ bé vì buôn bán ma tuý mà phải chấp hành án tù và đem bé cho nhà chùa. Cuội từ nhỏ đến giờ không biết hơi mẹ là gì, người thân yêu nhất không ai khác là các ni cô trong chùa. Đó là những người đã chăm lo cho em từng miếng ăn giấc ngủ, được hưởng những gì tuổi thơ em cần có với tình thương bao la.
Trong số những hoàn cảnh đáng thương đó thì hoàn cảnh của em Đỗ An Giàu không khỏi làm cho người khác phải chạnh lòng. Em là một trường hợp đặc biệt, bị ba mẹ bỏ rơi và được nhà chùa nhận nuôi. Theo lời kể của "sư thầy", cháu Giàu bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, cháu mắc chứng bệnh down, nặng chỉ 1,7kg, cháu rất yếu và tưởng chừng không thể sống được, bị bỏ trước cổng chùa, được các sư cô phát hiện mang vào trong chùa lúc 3 giờ sáng.
Từ đó nhà chùa đã nhận nuôi dưỡng và chăm sóc cháu An Giàu đến tận bây giờ. Đến nay cháu đã được 12 tuổi nhưng vẫn không biết nói, mọi sinh hoạt hằng ngày của cháu đều phải có người lo lắng.
"Sư thầy" cho biết các em đều là những học sinh giỏi, xuất sắc, đây là điều tự hào của các em mang về cho nhà chùa. Được các Phật tử giúp đỡ nên mỗi năm nhà chùa sẽ tổ chức một chuyến du lịch cho các em được đi chơi, có điều kiện học hỏi thêm ở thế giới bên ngoài.
Cụ bà không cô đơn
Không khác gì số phận của những đứa trẻ bất hạnh, các bà cụ nơi đây cũng có hoàn cảnh éo le, neo đơn, không có con cháu chăm sóc, hoặc con cháu ngại việc chăm sóc cho người già rồi gửi vào chùa, có những bà cụ còn mắc chứng bệnh hiểm nghèo…
Trong khuôn viên nhà chùa có khu nhà dành riêng cho 60 bà cụ đang nương nhờ cửa Phật. “Tôi được 87 tuổi quê ở Thái Bình, vào đây cũng được 3 năm rồi, tôi có chồng nhưng không có con, chồng mất sớm, nên không ai lo lắng, cũng nhờ có bạn giới thiệu nên tôi đã tìm đến chùa này. Ở đây rất thoải mái, lúc đầu cũng buồn lắm nhưng dần dần rồi cũng quen”, cụ bà Phạm Thị Hồng vừa nói cụ vừa cười. Trông cụ rất khỏe khoắn.
Cụ Cúc là người sống tại chùa lâu nhất. Năm nay cụ đã 97 tuổi và đã có "thâm niên" 10 năm sinh sống ở đây. Khi thấy phóng viên đến thì cụ rất vui vẻ trò chuyện và còn rất minh mẫn: “Tôi sống ở đây lâu lắm rồi và xem đây như là nhà của mình, mọi người ai cũng tốt và giúp đỡ tôi, tôi không có con, chỉ có mấy đứa cháu ở xa, lâu lâu thì đến thăm được vài lần, tôi được các sư cô chăm sóc như người thân trong nhà. Tôi sẽ sống ở đây đến khi nào tôi “nhắm mắt” để có người hương khói, tôi mang ơn chùa lắm”.
Các cụ bà ở chùa Bình An được chăm sóc rất tận tình. Buổi sáng thì các cụ được ăn cháo uống sữa, trưa chiều thì ăn cơm ngày 3 buổi, buổi tối thì được kèm thêm một hộp sữa. Với tấm lòng từ bi bác ái của nhà Phật nên nhà chùa quan niệm “đã lo thì lo cho trót” đến khi các cụ mất làm lễ nơi cửa Phật xong thì được đem đi hoả táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, hài cốt mang về chùa thờ cúng.
Thấy được những khó khăn của nhà chùa nên thường ngày các bạn sinh viên, các chị, các mẹ là phật tử ở gần đó đến chùa làm công quả khi có thời gian rảnh rỗi.
Đại diện nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân các nhà hảo tâm thường đến thăm và tặng quà cho nhà chùa khi có dịp. Bệnh viện quận Bình Tân định kỳ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho ni sư và tất cả cụ bà, trẻ em đang sinh sống tại chùa. Đặc biệt, chính quyền địa phương còn giúp đỡ làm hộ khẩu cho các em "cô nhi" ở đây dễ dàng được nhập học.