Nữ tiến sĩ bỏ thu nhập 3.000 USD về Việt Nam cống hiến với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng
Đó là câu chuyện của TS. Võ Thanh Hằng - giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Nữ tiến sĩ Võ Thanh Hằng cho biết: “Sau khi tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành quản lý môi trường tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tôi về làm việc ở Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM. Vị trí chuyên viên Sở cũng là vị trí nhiều người mong muốn, không phải ai thích đều có thể ngồi làm vì có những yêu cầu riêng.
Tuy nhiên, làm việc ở đây tôi thấy bản thân mình còn hạn chế về mặt kiến thức trong quá trình giải quyết công việc của Sở. Vì thế, tôi quyết định đi học cao học với chuyên ngành đang làm để nâng cao khả năng của bản thân.
Sau đó, trong quá trình học tôi may mắn giành được suất học bổng duy nhất tại TP.HCM là chuyến du học tại Hàn Quốc về kỹ thuật môi trường. Xin nghỉ việc để sang Hàn Quốc tôi chỉ có mong muốn duy nhất là làm sao mình có thể hiểu nhiều hơn, trong công việc có thể có tầm nhìn xa hơn và đặc biệt là tham gia việc nghiên cứu khoa học phục vụ cho nước nhà”, Tiến sĩ Hằng cho hay.
Quả là trời không phụ lòng người, đầu năm 2012, chị Hằng tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc tại Hàn Quốc và được mời ở lại sứ sở kim chi làm việc với mức lương 3.000 USD/tháng.
“Thời điểm đó tôi cũng suy nghĩ lắm. Nếu ở lại Hàn Quốc đúng là mức lương cao hơn, cơ sở vật chất họ hiện đại hơn nhưng nhớ lại lời thề trước khi sang Hàn học tôi quyết định về Việt Nam.
Về nước, sau mấy tháng ròng rã cầm hồ sơ xin việc đi gõ cửa khắp nơi thì như một cơ duyên, năm 2012, tôi được nhận vào trường cũ là ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia Tp.HCM) giảng dạy với mức lương mà lúc đó ai cũng cười tôi là 3 triệu đồng/tháng.
Nhiều người còn chê tôi dại khi từ chối mức lương cao như thế về đi làm với mức lương 3 triệu nhưng vì ý muốn nên tôi cũng không nghĩ quá nhiều.
Nữ tiến sĩ Võ Thanh Hằng hướng dẫn sinh viên học tập. |
Tôi bắt đầu bắt tay vào thực hiện dự án nghiên cứu cùng với một đồng nghiệp trong trường và xin được tài trợ trị giá 30.000 USD từ Hàn Quốc về xử lý nước sinh hoạt cho người dân. Nhờ đó dự án đã đem lại những lợi ích về đào tạo, được tiếp cận dự án quốc tế, phát triển các đề tài nghiên cứu về xử lý nước thải…”, Tiến sĩ Hằng nói.
Tại trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia Tp.HCM), Tiến sĩ Võ Thanh Hằng còn được biết đến với vai trò luôn đồng hành cùng các sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường để tham dự các cuộc thi về sáng tạo, khởi nghiệp.
Điển hình đề tài nghiên cứu chế tạo hệ thống lọc không khí của nhóm Air Mask dưới sự hướng dẫn của TS. Võ Thanh Hằng đã đoạt giải nhất cuộc thi Bách Khoa Innovation 2020 lần thứ 3.
TS Võ Thanh Hằng cùng nhóm sinh viên chế tạo máy lọc không khí Air Mask giành giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation năm 2020 |
Tại trường Đh Bách khoa nhiều người hay gọi Tiến sĩ Võ Thanh Hằng bằng biệt danh dễ thương là “tiến sĩ về rác” bởi đơn giản họ nghĩ cả cuộc đời chị đều tìm tòi nghiên cứu vấn đề ô nhiễm, về rác....
“Với tôi, môi trường là giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhưng tôi muốn các sinh viên của mình được trang bị kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân, bảo vệ môi trường sống của chúng ta chứ không phải khi rác đã ngập trái đất mới nghĩ đến xử lý”, Tiến sĩ Hằng nói.
Những thành công của Tiến sĩ Võ Thanh Hằng cho thấy rằng những người thầy tận tâm sẽ bắt đầu và nâng tầm những đổi mới trong chương trình giảng dạy, đưa sinh viên Việt lên một tầm cao mới.
Hoàng Thanh