Nữ sinh dân tộc Thái giành học bổng tại xứ sở cờ hoa: Đạt 8.0 IELTS, "bắn" Tiếng Anh như gió
Với khao khát thực hiện những điều tốt đẹp cho quê hương, Lò Thảo Vi quyết tâm "săn" học bổng Trao đổi học thuật toàn phần Global UGRAD và trở thành 1 trong 12 sinh viên xuất sắc toàn quốc.
Lò Thảo Vi (SN 2002), người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sơn La. Hiện Thảo Vi đang là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, khoa Chính trị quốc tế & Ngoại giao của Học viện Ngoại giao (Hà Nội).
Vừa qua, nữ sinh Sơn La vinh dự giành được suất học bổng Global UGRAD của Vụ Văn hoá & Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ưu tiên cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện học tập tại Mỹ. Thảo Vi may mắn là 1 trong 12 sinh viên Việt Nam có được học bổng toàn phần, nhận tấm vé đến "xứ sở cờ hoa". Hiện nữ sinh theo đuổi ngành Social Science (Khoa học Xã hội) tại Đại học Bắc Carolina, thành phố Wilmington.
Cô gái Thái với ước mơ du học khiến mọi người nể phục
Ngay từ khi còn nhỏ, Thảo Vi đã khao khát một ngày nào đó được đặt chân lên vùng đất mới, được đón nhận nền văn minh hiện đại bậc nhất. Nữ sinh Sơn La ấp ủ dự định du học nên luôn nỗ lực trong học tập. Cuối năm lớp 12, Vi đạt 8.0 IELTS, thành tích này càng tạo động lực để Vi phấn đấu hơn nữa.
Tuy nhiên, khi bày tỏ ước mơ với mọi người xung quanh, ai cũng sửng sốt, nhiều người còn cho rằng đó là điều không thể. Tại vùng cao như nơi Thảo Vi sinh sống, chưa có học sinh dân tộc Thái nào là du học sinh. Thêm nữa, bố mẹ Vi là viên chức nhà nước, với đồng tiền lương eo hẹp thì khó giúp con thực hiện mong ước.
Thảo Vi đành gác lại ước mơ, nộp hồ sơ học đại học như bao bạn khác. Khi học tại Học viện Ngoại giao, ước mơ du học lại một lần nữa trỗi dậy. Trong học kỳ đầu, Thảo Vi may mắn được nghe cô Nguyễn Thái Yên Hương – Giáo sư từng đi du học ở Mỹ truyền cảm hứng qua những câu chuyện thú vị.
Thảo Vi chia sẻ: "Cô Yên Hương còn tổ chức một buổi toạ đàm với cựu Đại sứ quán Mỹ nhằm chia sẻ thông tin bổ ích về chương trình du học. Trong buổi toạ đàm, em đã gây ấn tượng với giáo sư thông qua đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời. Em cảm thấy được truyền cảm hứng mãnh liệt, càng quyết tâm dành học bổng, mở ra cơ hội mới".
"Em muốn đi xa để xem bản thân trưởng thành và phát triển đến đâu", nữ sinh Sơn La nói. Sau đó, Thảo Vi miệt mài tìm hiểu, tổng hợp các chương trình du học thông qua trang mạng xã hội, Internet. Nữ sinh tự chuẩn bị hồ sơ xin học bổng, viết một số bài luận và làm các bài thi theo ban tổ chức yêu cầu.
Cuộc chiến giành học bổng khá cam go, tỷ lệ cạnh tranh cao, để có được tấm vé chiến thắng là điều không dễ dàng. Tiêu chí lựa chọn những sinh viên sáng giá bao gồm: Khả năng học thuật; Khả năng lãnh đạo; Mức độ quan tâm đến cộng đồng; Sự trao đổi văn hoá dân tộc.
Về khả năng học thuật, trong 2 học kỳ đầu tiên, Thảo Vi đều đạt Học bổng khuyến khích học tập của Học viện Ngoại giao, là sinh viên xuất sắc của khoa với GPA 3.93/4.0. Chứng chỉ Tiếng Anh IELTS 8.0 cũng giúp Vi được đánh giá cao ở trình độ ngoại ngữ.
Về khả năng lãnh đạo, nữ sinh từng trong ban tổ chức các hoạt động ngoại khoá. Trong những năm học THPT, Thảo Vi trong ban chủ nhiệm Tiếng Anh của trường và là Trưởng ban Đối ngoại Trại hè tranh biện. Đặc biệt, nữ sinh còn thành lập một dự án liên quan đến tâm lý trên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm đông đảo của mọi người.
Về mức độ quan tâm đến cộng đồng: Ban tổ chức chương trình học bổng yêu cầu viết 2 bài luận thể hiện khát vọng cống hiến cho cộng đồng. Bài luận đầu tiên, Vi viết về tình cảm và góc nhìn dành cho Sơn La và những người trẻ ở nơi này. "Em nhìn thấy trong người trẻ những điều rất quý giá, những màu sắc rất đẹp mà họ chưa tìm được cách để phát triển. Do vậy, sau khi học xong bên Mỹ, em nghĩ sẽ quay về giúp họ "toả sáng hơn", nữ sinh chia sẻ. Hiện Thảo Vi đang xây dựng một dự án tổng quan nhằm quảng bá và nâng cao hình ảnh của TP. Sơn La nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Về bài luận của mình, Thảo Vi tâm đắc nhất là câu: "Tôi là một hoạ sĩ và Sơn La trong tôi là thành phố mang màu của hy vọng". Nữ sinh muốn mai sau, khi đã có đủ tri thức sẽ cùng các bạn trẻ xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La, giúp người dân có cuộc sống đỡ cơ cực hơn.
Diện váy Cóm tung tăng khắp nơi khiến bạn bè quốc tế "mắt tròn mắt dẹt"
Ngoài 3 tiêu chí đánh giá trên, tiêu chí cuối cùng giúp nữ sinh Sơn La dành suất học bổng là bài luận giới thiệu văn hoá dân tộc. Thảo Vi chọn viết về váy áo Cóm của người Thái và người chấm đã rất tâm đắc.
Đến vòng phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội), Thảo Vi phải ôn luyện trước mọi câu hỏi và tình huống bất ngờ. Ban tổ chức yêu cầu thí sinh phải thi TOEFL và lấy chứng chỉ sau 2 tuần. Đặc biệt, nữ sinh đã có màn giới thiệu văn hoá Sơn La và trang phục dân tộc mình, tạo ấn tượng sâu sắc.
Khi sang đến Mỹ, hành trang mà Thảo Vi mang theo bên mình không thể thiếu váy áo Cóm, Vi coi đó là vật báu duy nhất. Đi đến đâu, nữ sinh cũng tự hào giới thiệu: "Việt Nam chúng mình không chỉ có áo dài mà còn có áo váy Cóm của người Thái nữa".
"Em thường kể chuyện về chiếc áo dân tộc mình cùng nền văn hoá lâu đời cho các bạn nghe. Áo váy Cóm là trang phục của người con gái Thái, nó rất đẹp và đặc biệt. Hoa văn và hoạ tiết trên tấm áo giống như hoa của núi rừng Tây Bắc. Nó toả sáng, long lanh đến diệu kỳ!", Thảo Vi hạnh phúc kể.
Các bạn đều trầm trồ, tỏ ra thích thú khi được ngắm nhìn và chạm trực tiếp vào chiếc áo. Nhiều bạn nhận xét "áo Cóm điệu và nữ tính!", điều này khiến nữ sinh Sơn La rất vui.
Thảo Vi cũng chia sẻ, người Mỹ rất thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ mình trong mọi tình huống khó. Hồi mới sang, Vi gặp áp lực chuyện học tập, môn học nữ sinh cảm thấy khó nhằn nhất là Chính phủ Mỹ. Thầy cô giảng về các sự kiện đã xảy ra, toàn là thông tin Vi chưa nghe nên khó đuổi kịp các bạn.
Sau giờ học, nữ sinh thường nán lại hỏi giảng viên về bài học. Ngoài ra, Vi chủ động tìm đọc các bài báo để cập nhật thêm kiến thức. Vi cũng đăng ký tham gia "lớp học gia sư", nghĩa là các sinh viên hỗ trợ nhau học tập giúp cải thiện điểm số.
Nữ sinh Sơn La sẵn sàng chia sẻ những mẹo học tập cực kỳ bổ ích. Điều đầu tiên, cần tận dụng tài nguyên và nhân lực. Tài nguyên ở đây là sách ở thư viện, kiến thức trên mạng. Nhưng cần phải tiếp nhận có chọn lọc thông tin, nhằm đem lại hiệu quả cao. Còn nguồn lực là tận dụng cơ hội để trò chuyện với các bạn "học bá", tiếp nạp những điều bổ ích từ các sinh viên xuất sắc.
Điều thứ hai, trong học tập cần cố gắng tập trung. Hãy luôn chăm chú nghe giảng và làm bài tập đầy đủ. Tập trung cao độ sẽ giúp hoàn thành bài tập nhanh nhất có thể mà vẫn đảm bảo chất lượng cao. Từ đó, bản thân sẽ có thời gian giải trí và tham gia các hoạt động khác.
Không chỉ nỗ lực trong học tập, Thảo Vi đang lên kế hoạch tham gia các hoạt động tình nguyện như: Phát đồ ăn cho người nghèo; Gây quỹ cho sinh viên là dân di cư/tị nạn. Nữ sinh hy vọng việc làm nhỏ bé của mình sẽ giúp ích được nhiều người.
Hành trình gian nan của nam sinh trúng tuyển đại học Mỹ nhờ bài luận về cờ vua
Nam sinh Nguyễn Trung Kiên (18 tuổi, Hà Nội) từng vỡ òa sung sướng khi nhận thư báo trúng tuyển từ Đại học Rice (Mỹ) nhờ bài luận về cờ vua.
Theo phapluat.suckhoedoisong.vn