Nữ GS.Ts hết mình vì người dân vùng cao
Chị là Gs.TS Nguyễn Thị Kim Lan, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.
Là một trong số ít người có vinh dự được trình bày tham luận trước 2000 đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tại Thủ đô Hà Nội đầu tháng 12/2015, Gs.Ts Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, năm 1979, sau khi tốt nghiệp tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, chị nhận quyết định về làm giảng viên ở Trường ĐH Nông nghiệp III Bắc Thái (nay là Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên).
Cũng như các thầy, cô giáo khác chị đã trải qua một thời kỳ bao cấp gian truân, cuộc sống vô cùng khó khăn, những áp lực trong công việc, cả trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, lòng say mê nghề nghiệp đã giúp chị đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Gs.Ts Nguyễn Thị Kim Lan. |
Vừa giảng dạy đại học, sau đại học, vừa cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có các biện pháp điều trị hiệu quả... dấu chân của chị và các cộng sự đã in dấu ở khắp các tỉnh miền núi như: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu...
Với tâm niệm, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng mỗi trường đại học trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu có chất lượng cao, chị và các cộng sự thường hướng nghiên cứu của mình về các lĩnh vực người dân đang quan tâm.
Suốt nhiều năm liền chị theo đuổi đề tài nghiên cứu về những bệnh phổ biến, gây tác hại lớn ở gia súc, gia cầm và biện pháp phòng chống hiệu quả. Với hướng nghiên cứu đó, đến nay chị đã và đang chủ trì 15 đề tài Nghiên cứu khoa học gồm: 1 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ, 2đề tài cấp Tỉnh, 1 đề tài cấp Đại học, 7 đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu, đánh giá đạt loại tốt và xuất sắc.
"Những thành tựu mà mỗi chúng ta có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng mà là sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề, từ nhu cầu được làm việc, nhu cầu được cống hiến, từ cái suy nghĩ rất đơn giản là: đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân mình có thể cố gắng được", chị tâm sự.
Với sự nỗ lực trong quá trình công tác, chị đã được tập thể suy tôn, được các cấp có thẩm quyền ghi nhận thông qua các hình thức công nhận và khen thưởng. Ngoài chức danh GS, danh hiệu Nhà giáo ưu tú và Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo, bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên…chị đã vinh dự là cá nhân duy nhất được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 – Giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng.