Nữ ca sĩ trẻ qua đời vì căn bệnh ung thư giống mẹ mình, những dấu hiệu chị em đừng bỏ qua
Ung thư vú là bệnh di truyền, mẹ hay chị em gái mắc bệnh thì bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh ung thư số một ở phụ nữ này..
Ngày 5/7, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin nữ ca sĩ Chu Lị Tĩnh (Miu Chu) qua đời ở tuổi 41 sau 2 năm chống chọi với bệnh ung thư vú.
Trước đó, Chu Lị Tĩnh được chẩn đoán mắc ung thư vú vào đầu năm 2020. Tháng 10/2021, cô rút khỏi giới nghệ thuật để nhập viện điều trị khi bệnh tình có dấu hiệu trở nặng. Theo Sohu, Chu Lị Tĩnh từ chối phẫu thuật cắt bỏ khối u. Cô điều trị bằng thuốc và phương pháp hóa - xạ trị.
Được biết, cô đã giấu gia đình điều trị ung thư trong thời gian dài, bởi mẹ của Chu Lị Tĩnh cũng qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo này vào năm 2016.
Theo GLOBOCAN, ước tính năm 2018 trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu ca ung thư vú mới mắc ở nữ và 627.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, ung thư vú đứng hàng đầu trong những loại ung thư ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc ung thư vú trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có xu hướng tăng trong những năm gần đây
Theo Ths.BS Nguyễn Công Định – Phó Giám đốc phụ trách cơ sở 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp và gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ sau 35 tuổi.
Dù nguyên nhân gây ung thư vú vẫn chưa được xác định rõ, nhưng một số yếu tố nguy cơ đã được nhận diện, trong đó yếu tố di truyền chiếm 10% trường hợp ung thư vú.
Ca sĩ Chu Lị Tĩnh (Miu Chu) qua đời vì ung thư vú. |
Các nghiên cứu chỉ ra rằng đột biến gen BRCA1/2 di truyền này, gặp cả ở nữ giới và nam giới, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác.
Những đột biến di truyền này có từ ngay khi sinh ra, và chúng ta không thay đổi được nó. Ngoài gen BRCA, thì còn một số đột biến gen khác nữa (p53, PTEN…) cũng tác động vào quá trình hình thành khối u tuyến vú.
Ngoài ra, yếu tố gây ung thư vú còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống. Ung thư vú có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, hút thuốc và ít vận động. Do các tế bào tuyến vú hoạt động phụ thuộc vào nội tiết tố estrogen, nên các nguyên nhân làm tăng estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất. Các phương pháp này thường được các bác sỹ cân nhắc kỹ, có thể phối hợp nhiều phương pháp với nhau điều trị trên một bệnh nhân tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm sinh học của khối u, tình trạng sức khỏe ... và cả mong muốn của người bệnh. Việc phát hiện sớm ung thư vú rất quan trọng, giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Thạc sĩ Định cho biết bên cạnh việc chị em tự khám, phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tuyến vú thì chị em nên khám tầm soát ung thư vú định kỳ.
Tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khám sàng lọc ung thư vú chị em sẽ được lập hồ sơ theo dõi bao gồm: khai thác tiền sử, xét nghiệm gen nếu phả hệ ở nhóm nguy cơ cao; khám lâm sàng, siêu âm, chụp x-quang vú.
Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vú chị em không nên bỏ qua như: Vú bị sưng, biến dạng, kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay, xuất hiện khối u cứng ở vú, vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng. Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay xuất hiện nếp nhăn, đóng vảy, vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.
Để phát hiện sớm ung thư vú, tự khám vú được xem là bước đầu tầm soát ung thư vú. BS Định cho biết chị em có thể tự kiểm tra vú mỗi tháng một lần, sau chu kỳ kinh nguyệt 2 – 3 ngày. Chị em có thể tham khảo một số bước tự khám vú tại nhà dưới đây:
Bước 1: Đứng trước gương nơi có ánh sáng tốt, đứng tư thế thẳng người, xuôi hai tay quan sát xem có bất thường gì không.
Bước 2: Giơ 2 tay lên và quan sát lại xem có bất thường không; tiếp tục kiểm tra bằng cách giơ lần lượt từng tay một, xoa nắn vú xem có tiết dịch bất thường, kiểm tra vùng nách xem có hạch không…
Kiểm tra tương tự ở tư thế nằm, trường hợp phát hiện bất thường, bạn nên đến ngay bệnh viện để khám chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
K.Chi