Nông thôn Việt Nam đã thực sự "Mới" hay chưa?
Với kết quả đó, có thể thấy rằng quá nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là NTM (tính theo số xã đạt chuẩn), mặt bằng bình quân nông thôn cả nước đã đạt 80,3% chuẩn NTM (tính theo số tiêu chí/xã 15,32/19).
Vậy, nông thôn Việt Nam đã thực sự mới chưa, mới đến mức nào nhìn từ góc độ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
Nhìn từ góc độ Bộ tiêu chí NTM, có thể khẳng định kết quả xây dựng NTM 10 năm qua của nước ta là rất to lớn, toàn diện, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, thậm chí có thể nói là chưa từng có trong lịch sử phát triển nông thôn Việt Nam.
Áp dụng KHCN vào xây dựng nông thôn mới với mục tiêu làm sạch môi trường. |
Tính đến tháng 10/2019, ngoài 2 mục tiêu cơ bản là số xã đạt chuẩn NTM và số tiêu chí NTM bình quân một xã mà chúng ta đã vượt kế hoạch năm 2020 từ tháng 6/2019 (trước 1,5 năm), thì kết quả xây dựng NTM có nhiều điểm sáng. Có 4 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng.
Đây là 4 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó Nam Định và Đồng Nai là 2 tỉnh có 100% huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước đã có 91 đơn vị cấp huyện (dự kiến cuối tháng 10/2019 sẽ có trên 100 đơn vị) được công nhận đạt chuẩn NTM. Đánh giá kết quả theo19 tiêu chí NTM cho thấy rõ sự tiến bộ vượt bậc.
Có thể nói, về diện rộng, theo hầu hết các tiêu chí, nông thôn đã có những bước tiến lớn. Sau 10 năm (2010-2019) tiêu chí đạt thấp nhất (môi trường) cũng có 64% số xã đã đạt. Tiêu chí đạt cao nhất (lao động có việc làm, không tính tiêu chí quy hoạch) có tới 97,9% số xã đạt.
Tiêu chí tăng ít nhất (quốc phòng, an ninh) cũng là 17,9% (do trước đây tiêu chí này đã có mặt bằng khá cao); tiêu chí tăng cao nhất (lao động có việc làm) là 86,9% - gần gấp đôi. Nông thôn nước ta đã hiện đại hóa bước đầu kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản, làm thay đổi diện mạo làng quê, là cơ sở để xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cao hơn cho người dân, tiền đề cho kết nối nông thôn – đô thị.
Sự chuyển biến này càng có ý nghĩa lớn lao khi Chương trình MTQG xây dựng NTM bắt đầu được thực hiện đúng vào lúc diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam bị suy thoái,việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn.
Có những địa phương tuy xuất phát điểm thấp, không có nhiều lợi thế, nhưng đã có tốc độ xây dựng NTM rất nhanh và toàn diện. Điển hình là Nam Định, một tỉnh thuần nông, đất chật người đông, mặt bằng thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn cũng như trong giải quyết các vấn đề về môi trường, nhưng là 1 trong 2 tỉnh của cả nước có 100% số xã, 100% số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo với xuất phát điểm xây dựng NTM thấp hơn so với bình quân vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, sau gần 10 năm, kết quả xây dựng NTM của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thay đổi căn bản khu vực nông thôn, đứng đầu vùng và vượt lên so với bình quân cả nước. Đây cũng là 2 tỉnh có nhiều sáng tạo đột phá trong xây dựng NTM với những NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường “Sáng – xanh – sạch – đẹp” ở Nam Định; khu Dân cư kiểu mẫu, Vườn mẫu ở Hà Tĩnh, được cả nước học tập.
Ngoài ra còn nhiều điển hình cấp tỉnh, huyện, xã, thôn/bản trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, OCOP, văn hóa, xã hội, xây dựng hạ tầng, thể hiện tinh thần vượt khó, phát huy cao độ sự tham gia của người dân, cộng đồng và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng NTM.
Tuy nhiên, theo Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, để đánh giá sâu hơn chất lượng của xây dựng nông thôn cần phân tích kỹ các chuyển biến trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua những chỉ tiêu cơ bản.
Phải chăng đó là tăng trưởng nông nghiệp gắn với sinh kế/thu nhập của người dân; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động gắn với chuyển đổi nông thôn – đô thị; hiệu quả tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển theo chiều sâu các chủ thể kinh tế, liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng KHCN; mức độ phát triển của cộng đồng gắn với quản lý xã hội nông thôn, phát huy động lực của văn hóa; xây dựng, giữ gìn cảnh quan, môi trường nông thôn gắn với kết nối nông thôn – đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống người dân…
Kết quả xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cùng với việc nâng cao nhận thức, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ CGH sản xuất nông nghiệp, đưa một số chỉ tiêu tiêu về về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã thúc đẩy phát triển trình độ sản xuất. Việc áp dụng Quy trình VietGAP ngày càng được mở rộng cả về số lượng đơn vị và diện tích sản xuất. Năm 2016 cả nước có 1.495 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. Nếu chia theo lĩnh vực sản xuất thì trồng trọt có 1.200 đơn vị, chiếm 80,2%; chăn nuôi 101 đơn vị, chiếm 6,8%; thủy sản 194 đơn vị, chiếm 13,0%.
Cơ cấu lao động ở nông thôn có sự dịch chuyển khi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. |
Sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất được ứng dụng ở nhiều địa phương. Năm 2016, cả nước có 5.897,5 ha nhà lưới, nhà kính, nhà màng, phân bố ở 327 xã. Trong đó có 2.144,6 ha trồng rau, chiếm 36,4%; trồng hoa 2.854,3 ha (48,4%); gieo trồng cây giống 661,1 ha (11,2%); nuôi trồng thủy sản 237,5 ha (4,0%).
Cùng với đẩy nhanh ứng dụng KHCN, chất lượng nông sản và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm quản lý tốt hơn, ngày càng được được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là với thực phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ và các vấn đề nổi cộm như sử dụng tràn lan hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi.
Năm 2017, kết quả phân tích 9.142 mẫu nước tiểu và mẫu thịt lấy tại các cơ sở giết mổ trên cả nước không phát hiện chất cấm salbutamol. Cùng với đó, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016. Tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89%. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng bảo vệ thực vật cũng giảm xuống chỉ còn 0,6% (thay vì 2,05% năm 2016).
Cơ giới hóa nông nghiệp tiếp tục phát triển. Năm 2016 có trên 7,3 triệu chiếc máy kéo và máy nông nghiệp, tăng 74,0% so với năm 2011. Riêng máy kéo có 774,8 nghìn chiếc, tăng 45,5%. Trong đó máy kéo lớn công suất từ 35 CV trở lên có 32,2 nghìn chiếc, tăng 92,4%; máy kéo hạng trung công suất trên 12 CV đến dưới 35 CV có 290,6 nghìn chiếc, tăng 31,3%; máy kéo nhỏ công suất từ 12 CV trở xuống có 452,1 nghìn chiếc, tăng 53,5%. Ngoài ra, còn có 28,1 nghìn chiếc máy gieo sạ, tăng 9,0% so với năm 2011; 25,7 nghìn chiếc máy gặt đập liên hợp, tăng 77,1%; 189,0 nghìn chiếc máy gặt khác, gấp hơn 2,8 lần; 80,1 nghìn lò và máy sấy nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 25,8%; 137,2 nghìn máy chế biến thức ăn gia súc, tăng 90,6%; 14,2 nghìn máy chế biến thức ăn thủy sản, gấp 2,2 lần; 3,3 triệu máy bơm nước, tăng 52,2%; 1,8 triệu bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 3,1 lần.
Không chỉ tăng về số lượng, nhiều loại máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp có tiến bộ rõ rệt về công nghệ, như các loại máy kéo cỡ lớn tăng nhanh hơn cỡ nhỏ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tăng năng suất, phù hợp với quy mô sản xuất lớn hơn, làm dịch vụ CGH hiệu quả hơn. Các thiết bị làm khô nông sản chuyển từ hệ máy sấy cỡ nhỏ, lạc hậu sang cỡ vừa và lớn, quy mô công suất tăng đáng kể, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn.
Hệ máy canh tác lớn đi theo máy kéo cỡ lớn ngày càng phổ biến, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ cơ khí nông nghiệp, nâng cao chất lượng canh tác, trình độ chuyên môn hóa và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đồng thời cải thiện tốt hơn điều kiện làm việc của người sử dụng, tăng năng suất, giảm nhẹ cường độ lao động nông nghiệp theo hướng biến nghề nông thành nghề nhẹ nhàng, nhàn hạ hơn.