Nông thôn mới: Kinh nghiệm từ Sơn La
Tỉnh Sơn La có 12 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố và 11 huyện với 204 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn tỉnh Sơn La có 1.240.707 người với 12 dân tộc. Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh có 1.412.349 ha. Đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ trên núi và đất mùn trên núi cao.
Sơn La có hệ thống thủy văn phong phú, khá dày với 2 hệ thống chính là sông Đà dài 280 km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu. Lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình có lượng nước lớn.
Từ các lợi thế nêu trên, cho thấy tỉnh Sơn La có thể phát triển các loại cây ăn quả (xoài, nhãn, bơ, chanh leo, mận, mơ, cam, quýt, bưởi, dứa, na, chuối, dâu tây, đào, táo, thanh long...), rau, củ, dược liệu, chè, cà phê, tre, gỗ, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi, thủy sản tập trung, quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, thủy sản mang tính đặc trưng của địa phương.
Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển cây ăn quả gắn với phát huy lợi thế của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 – 2019, năm 2018 tổng sản phẩm ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh 2010 đạt 7.255,51 tỷ đồng, tăng 45,6% so với năm 2010; Cơ cấu ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản trong tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2010 là 37,67%, năm 2018 là 22,28%.
Giá trị sản phẩm cây hàng năm đạt 29,16 triệu đồng/ha, tăng 8,67 triệu đồng/ha so với năm 2010; cây lâu năm đạt 52,59 triệu đồng/ha, tăng 21,08 triệu đồng/ha so với năm 2010; nuôi trồng thủy sản đạt 96,49 triệu đồng/ha, tăng 31,66 triệu đồng/ha so với năm 2010.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Tỉnh Sơn La đẩy mạnh đầu tư thâm canh, đưa các giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích hợp lý, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Mối liên kết giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học được hình thành, bước đầu tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, ban Thường vụ tỉnh ủy đã vận dụng một số định hướng chính trong quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất để phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu.
Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 nội dung gồm:
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển lực lượng sản xuất làm động lực; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác;
Tiến hành đổi mới quan hệ sản xuất, cho phù hợp với lực lượng sản xuất phát triển. Tập trung đổi mới trước về quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất; chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể;
Tiến hành đổi mới quan hệ phân phối sản phẩm, để hoàn thiện các chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản bền vững. Tỉnh đã thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã trong phát triển vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu các loại nông sản;
Tập trung lãnh đạo để tạo ra mối quan hệ tác động giữa phát triển lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất; trong đó coi trọng việc tiếp tục ứng dụng mạnh hơn khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến; gắn với việc hoàn thiện mối quan hệ phân phối lợi ích (đổi mới quan hệ sản xuất) để phát triển theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được về phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là trong phát triển cây ăn quả, thủy sản của những năm trước, tỉnh đã tổ chức Hội thảo và làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương,... Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc (đang trồng ngô, lúa nương, sắn); Khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện (Sơn La, Hòa Bình…) trên địa bàn tỉnh; Bảo vệ và phát triển rừng. Xác định người dân là nhân tố trung tâm để ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ; tập trung vận động làm thay đổi tư duy của hộ gia đình, từ đợi nhà nước hỗ trợ đầu tư, sang chủ động đầu tư phát triển theo định hướng và nhà nước hỗ trợ; giảm dần các khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Tất cả các đoàn đi học tập kinh nghiệm đều có báo cáo kết quả và đề xuất giải pháp mới để thực hiện tại tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận và ban hành kết luận để tổ chức thực hiện như:
Đoàn đi học tập kinh nghiệm về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm quả tại 09 tỉnh: Bắc Giang, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An....; Đoàn đi thăm và thu hút doanh nghiệp đầu tư Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản xuất phân hữu cơ tại Sơn La tại Tập đoàn TH, tỉnh Nghệ An; Tập đoàn Quế Lâm, tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình; Công ty Lavifood, tỉnh Tây Ninh.
Đoàn đi học tập kinh nghiệm một số nước về phát triển các loại nông sản ứng dụng công nghệ cao tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Israel.
Định kỳ 06 tháng, 1 năm Thường trực tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy thảo luận, ban hành kết luận thực hiện tiếp theo.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã vận dụng một số định hướng chính trong quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất để phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.