Nông sản Việt xuất sang Trung Quốc phải minh bạch thông tin
Sáng 10/12, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nắm vững các quy định của thị trường Trung Quốc, để việc sản xuất cũng như xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân được thuận lợi hơn.
Theo thông tin tại Diễn đàn, gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến, và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Một trong những yêu cầu là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Cung cấp thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít; 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; hai loại xuất khẩu tạm thời là quả chanh leo và ớt tươi; và một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường gồm bưởi, na, dừa, roi, chanh…
Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng các loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm: Phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; Không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; Được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; Phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.
Đối với các cơ sở đóng gói, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt, không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…
Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.
“Các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục cập nhật, bổ sung mới”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Trước hiện trạng nêu trên, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các địa phương cần tăng cường phối hợp một cách chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để có thể minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về thời gian, sản lượng từng vụ. Từ đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể giám sát, thực hiện xuất khẩu nông sản theo đúng quy trình, mã số. Nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, phía Trung Quốc sẽ “tuýt còi”, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Một thông tin tích cực được ông Hòa cung cấp, đó là thời gian tới, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp để xây dựng các quy trình thực hành tốt cho từng loại hoa quả để đảm bảo việc xuất khẩu cũng như đảm bảo các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra.
“Nếu Tổng cục Hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra ô nhiễm vi sinh vật cũng như dữ liệu hóa chất, chúng ta vẫn có thể đáp ứng được những cái yêu cầu đặt ra”, ông Hòa khẳng định.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như cơ chế phối hợp với Cục khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận mã số vùng trồng. Các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, thậm chí thu hồi mã số vùng trồng đối với các doanh nghiệp, vùng trồng gian dối.
Anh Duy