Nỗi khổ của rich kid thừa kế hàng tỷ USD
Ngoài 20 tuổi, về mặt vật chất, Tyler Huang có trong tay hàng tỷ USD. Còn về tinh thần, anh vật lộn với chứng trầm cảm, ung thư và sự cô đơn khi người thân lần lượt qua đời.
Ở tuổi mà hầu hết thiếu niên vẫn đau đầu vì tiền bạc, Tyler Huang (Singapore) đã cùng bố đấu thầu mua một CLB bóng đá của Anh. "Giàu nứt đố đổ vách" là cụm từ miêu tả về điều kiện vật chất của gia đình chàng trai 23 tuổi.
Anh có thể chi tiền mua sắm theo hứng thú bản thân bất cứ lúc nào. Thịt bò wagu đắt đỏ trở thành món ăn xuất hiện trên bàn ăn nhà Huang mỗi ngày.
"Nhưng cuộc sống tôi không trong mơ như mọi người nghĩ. Tiền bạc có thể khắc phục nhiều vấn đề bên ngoài, nhưng không giải quyết được những thứ diễn ra bên trong", Tyler nói về bản thân với Vice News.
Sinh ra đã ngậm thìa vàng, song Tyler Huang nói cuộc sống của một rich kid như mình không chỉ toàn hạnh phúc như số đông nghĩ. |
Cha kiểm tra lý lịch từng người bạn
Ở tuổi 23, Huang thừa kế hàng tỷ USD vào đầu năm nay khi cha mẹ anh qua đời, giúp anh sống mà không cần lo nghĩ về tiền bạc.
"Tôi biết mình có những thứ nhiều người ao ước. Nhưng thật sai lầm khi đánh giá ai đó bằng số tiền họ có", Huang nói.
Nếu tình cờ bắt gặp anh trên phố, đa số sẽ không nghĩ anh thuộc tầng lớp lắm tiền. Đi giày Crocs, dán mắt vào màn hình điện thoại để nhắn tin, trông Huang cũng giống như nhiều anh thanh niên khác.
Huang lớn lên trong một biệt thự ở London, có tầm nhìn hướng ra công viên Hyde. Đội ngũ chăm sóc rich kid này bao gồm giúp việc, quản gia, bảo mẫu.
Thời thơ ấu, anh chủ yếu quanh quẩn trong khu biệt thự. Từ bé, cậu ấm đã quen với hình ảnh máy bay phản lực tư nhân, camera giám sát và đội ngũ an ninh xuất hiện quanh mình. Đồ chơi của Huang cũng không phải những món đồ thông thường, mà là dàn xe cổ đắt tiền của cha.
Anh lớn lên với không chỉ 1 mà là 2 thẻ AMEX Centurion - một trong những thẻ tín dụng quyền lực nhất trên thế giới. "Mẹ đưa tôi một cái để dùng trong trường hợp khẩn cấp và bố cho tôi một cái khác. Nhưng tôi đã ước mình không lớn lên với những tấm thẻ đó để biết quý trọng tiền bạc và nhiều thứ khác", Huang nói.
Từ khi còn là một đứa trẻ, Huang đã quen với chuyện những đặc quyền của giới nhà giàu xuất hiện quanh mình hàng ngày. |
Năm 16 tuổi, trong một lần say, Huang đã nổi hứng chi một số tiền lớn để thuê du thuyền hạng sang ở Bangkok cho ngày nghỉ cuối tuần.
Là con nhà giàu, Huang được cha mẹ sắp xếp nhóm vệ sĩ túc trực để đảm bảo an toàn. Lái xe riêng của anh được đào tạo để đối phó với bọn tội phạm. Nếu Huang muốn đi ăn kem như mọi đứa trẻ khác, anh sẽ được cha dẫn đi, cùng một dàn người bảo vệ đi kèm.
Thậm chí, cha của Huang còn kiểm tra kỹ lý lịch những người bạn chơi với Huang, bao gồm cả gia đình họ. Từ ngày bé, chàng trai đã nhận thấy cuộc sống mình khác biệt với bạn bè và hiện tại vẫn thấy sợ sệt khi nhớ lại những ký ức đó.
Huang chịu áp lực phải học hành giỏi giang từ phụ huynh. Khi con trai bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm lâm sàng, tự kỷ và bệnh Asperger, mẹ anh gửi con đến Insititut Le Rosey (Thụy Sĩ) - trường nội trú đắt nhất thế giới. Song, kết quả học tập của anh vẫn không khả quan.
Lần nữa, bố mẹ chuyển Huang đến Anglo Chinese School ở Singapore, nơi các con nhà giàu châu Á theo học.
"Mẹ coi chứng tự kỷ của tôi là dấu hiệu của 'năng khiếu' nhưng phủ nhận chứng trầm cảm vì cho rằng tôi lười biếng và khó tính", Huang kể lại.
Sở hữu khối gia sản kếch xù, Huang vẫn cảm thấy cô đơn. |
Nhờ gia thế, cậu ấm này không phải tham gia kỳ thi tuyển sinh. Song, học lực của anh vẫn chỉ ở mức nhàng nhàng, không đủ sức làm hài lòng cha mẹ. Chứng trầm cảm dần tăng lên sau mỗi lần anh thấy mình làm gia đình thất vọng.
Tiến sĩ Tâm lý học Suniya Luthar tại Đại học Sư phạm Columbia, nói rằng con cái từ các gia đình giàu có cảm thấy cần phải che giấu chứng trầm cảm của mình, các bậc cha mẹ cũng có phản ứng như vậy.
Nguyên nhân vì không muốn "phải xấu hổ". Những bậc phụ huynh có của cải, địa vị cao trong xã hội sẽ không muốn các thứ tiêu cực gắn liền với con họ - những đứa trẻ được mặc định sẽ thừa hưởng sự xuất sắc từ cha mẹ chúng.
Còn lại một mình
Tốt nghiệp trung học, Huang đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Singapore. Đến năm 19 tuổi, Huang buộc phải giải ngũ, sau khi bác sĩ phát hiện một khối u ở thùy trán trái. Dù giải thích với bạn bè, phần đông vẫn tin rằng anh dựa vào quyền thế của gia đình để trốn nghĩa vụ.
Một thời gian sau, anh dần tìm thấy sự hạnh phúc khi làm việc trong ngành kiến trúc. Cả thể chất và tinh thần Huang khá lên, song quãng thời gian "tươi đẹp" ấy không kéo dài lâu.
Năm 2017, anh trai Huang qua đời trong một tai nạn. Tháng 2 năm nay, cha anh cũng ra đi với lý do tương tự. Còn năm ngoái, người mẹ cũng không qua khỏi vì ung thư.
Huang buộc phải dừng sự nghiệp kiến trúc sau khi chứng trầm cảm ngày càng nghiêm trọng. Hiện tại, bệnh ung thư của anh vẫn đang ở giai đoạn cuối và tuân theo phác đồ điều trị.
Mỗi ngày, anh uống hàng tá thuốc sau bữa ăn. Để phục hồi tốt hơn, Huang cố dành thời gian ở bên ngoài nhiều nhất có thể, tránh ở trong nhà quá lâu, tận dụng không gian thoáng đãng nơi công cộng xua bớt luồng suy nghĩ tiêu cực.
Chàng trai 23 tuổi đối mặt với bệnh ung thư và chứng trầm cảm cùng một lúc. |
Vào buổi tối, anh ghé quầy bar trên tầng thượng - nơi có thể ngắm trọn hoàng hôn ở Singapore và xung quanh Huang vẫn đầy ắp các chai rượu đắt tiền, các đĩa hải sản ngon mắt. Thừa kế hàng tỷ USD, cuộc sống của Huang vẫn thuộc về giới thượng lưu. Anh vẫn thừa sức mua sắm đồ hiệu, phủ lên mình những bộ cánh sành điệu.
"Dẫu vậy, tôi vẫn luôn là người cô đơn. Bạn không thể hình thành mối quan hệ tốt đẹp với người khác chỉ nhờ một chiếc áo Givenchy", Huang thở dài.
Anh kể khi tiết lộ mình bị chứng trầm cảm, những người xung quanh không mấy tin hay cảm thông. Đa số thắc mắc: Sao một người tiêu hàng nghìn USD cho quần áo mỗi tuần có thể thấy khốn khổ?
Nhắc tới cha mẹ mình, Huang vẫn có những lúc giật mình. Anh vẫn chưa chấp nhận sự thật rằng họ đã ra đi, không còn ở bên mình nữa. Anh giả vờ như họ chỉ đang đi nghỉ.
Bất chấp cuộc sống được bao bọc trong sự xa hoa từ nhỏ, tất cả những gì Huang thực sự muốn vẫn là một cái ôm từ cha mẹ - thứ truyền cho anh cảm giác yêu thương và an toàn.
Cô gái trẻ tư duy lại lối sống YOLO: Đừng 'vung tay quá trán' để rồi phải sống 'cầm hơi'!
Là một người trẻ tôn thờ lối sống YOLO, Vũ T.T, 25 tuổi đang thực sự khốn đốn với tình trạng sống “cầm hơi” giữa đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp.
Theo zingnews.vn