Cô gái trẻ tư duy lại lối sống YOLO: Đừng 'vung tay quá trán' để rồi phải sống 'cầm hơi'!
Là một người trẻ tôn thờ lối sống YOLO, Vũ T.T, 25 tuổi đang thực sự khốn đốn với tình trạng sống “cầm hơi” giữa đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gần 2 năm, nó không chỉ phủ bóng đen lên nền kinh tế mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách, làm đảo lộn cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, đặc biệt là tác động tới lối sống của giới trẻ.
Vũ T.T, 25 tuổi, sinh sống tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty của cô đã cắt giảm nhiều nhân sự từ tháng 5/2021. Hiện tại số tiền lương hỗ trợ ít ỏi cô nhận được từ công ty không đủ để chi trả tiền thuê phòng, chưa tính đến các khoản chi phí khác.
Trong thời gian giãn cách xã hội, 24/24h chỉ loanh quanh trong căn phòng vỏn vẹn 15m2, T. không tránh khỏi cảm giác tự dằn vặt bản thân vì lối sống chi tiêu phung phí trước đây.
Cũng giống như một bộ phận giới trẻ, T. ưa chuộng lối sống YOLO (You only live once: Bạn chỉ sống có một lần). Cô sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho việc mua sắm, du lịch, ăn uống sang chảnh, hưởng thụ. Thậm chí có những tháng “vung tay quá trán” cô còn sử dụng thẻ tín dụng vô độ. Dù công việc thuận lợi nhưng gần như cô bỏ quên việc tiết kiệm dự phòng tài chính.
Thời điểm không có dịch, lương của T. dao động khoảng từ 10-20 triệu đồng/tháng, có tháng thuận lợi thu nhập có thể tăng gấp đôi.
T. cho rằng vừa làm vừa hưởng thụ thì cuộc đời mới vui vì đời người chỉ có một lần. “Có một sự thật là nếu mình tiêu tiền cho nhu cầu của bản thân thì sẽ có động lực để kiếm nhiều tiền hơn. Do đó, phần lớn tiền lương hằng tháng mình dùng để mua trang phục, trang sức, mỹ phẩm, nước hoa… Ví dụ nếu có một bộ mỹ phẩm giá tầm 5-6 triệu nhưng hợp với sở thích thì mình sẵn sàng mua không suy nghĩ gì” - T. tâm sự.
Nhiều bạn trẻ thoải mái tiêu hết tiền lương hằng tháng cho việc mua sắm, du lịch, ăn uống sang chảnh để rồi dịch bệnh đến mới "trở tay không kịp" (Ảnh minh hoạ) |
Trên thực tế, dịch bệnh chỉ là một trong vô vàn các rủi ro khác trong cuộc đời. Nếu không phải là Covid-19 thì có thể là tai nạn, thiên tai, biến cố cuộc đời... những điều này ít nhiều ai cũng nhận thức được. Trên các trang mạng xã hội gần đây, cụm từ “cú sốc tinh thần” xuất hiện khá nhiều với ý nghĩa ám chỉ cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Vậy vì sao nhiều người trẻ hiện nay vẫn để bản thân rơi vào tình trạng khốn đốn, khóc dở mếu dở như vậy?
Vũ T. T tiếc nuối nói: “Giá như trong năm qua mình để dành được 25-30% thu nhập thì giờ vẫn có thể “sống khỏe” kể cả khi dịch bệnh phức tạp hay giãn cách kéo dài hơn”.
Tiền ăn, ở, sinh hoạt hiện tại trở thành nỗi khủng hoảng đối với T.. Cô đã xin chủ nhà giảm tiền thuê trọ nhưng chưa có phản hồi. T. không thể ngờ được là có ngày đến việc mua thùng mỳ, mấy quả trứng cũng khiến cô phải cân đo đong đếm.
Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng nói “cuộc sống là dòng chảy”. Mọi thứ liên tục chuyển động và trở nên khác đi so với nó trước đó.
Thay vì than phiền, tiếc nuối quá khứ, T. đang dần chấp nhận thực tế, cô đã tận dụng khoảng thời gian này để học thêm ngoại ngữ mới và xin cộng tác tại một công ty bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra cô cũng chủ động xin tham gia vào một cộng đồng Thiền & Yoga với hoạt động học tập và rèn luyện bản thân mỗi ngày.
Cô gái trẻ cố gắng thay đổi tư duy theo hướng tích cực hơn với trạng thái nỗ lực hết mình để có thêm nguồn thu nhập, vượt qua đại dịch trước mắt.
T. cũng không quên gửi lời đến các bạn trẻ khác: “Quản lý tài chính là một kỹ năng đặc biệt quan trọng đảm bảo cho việc bạn tồn tại được bao lâu. Phải luôn nhắc mình sống hôm nay phải lo cho ngày mai. Sống trọn vẹn khác với sống hưởng thụ. Hãy làm việc và chi tiêu cho những gì mình cần chứ không phải mù quáng chạy theo những gì mình muốn”.
Giới trẻ nên có dự phòng tài chính để phòng lúc gặp rủi ro, biến cố trong cuộc đời. |
Có thể bạn sẽ rất nhớ những ngày tháng xông xênh, được đi lại thoải mái nhưng thời gian này cũng là một giai đoạn mang lại nhiều trải nghiệm.
Nếu coi Covid-19 là một bài toán thì ai nắm được phương pháp sẽ là người tìm ra được lời giải. Thay vì than phiền, hãy chủ động tìm giải pháp, thích nghi với hoàn cảnh và thay đổi tư duy mới tích cực hơn.
Ai cũng có 24h để sống mỗi ngày, đúng theo định nghĩa YOLO, hãy tận dụng tối đa thời gian để rèn luyện sức khỏe, bổ sung kiến thức, làm việc chăm chỉ để tăng sức “đề kháng” trước đại dịch các bạn nhé!
Mai Phương