Nợ hàng trăm tỉ đồng, để lấn chiếm nghìn ha rừng, 2 DNNN Đắk Nông 'sa lầy' khi muốn cổ phần hóa
Nằm trong danh sách cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới tuy nhiên đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Nung và Công ty cà phê Đức Lập (Đắk Nông) bị bế tắc vì đang nợ hàng trăm tỉ đồng.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, tại Công ty TNHH MTV Nam Nung (huyện Krông Nô), dù 6 năm trôi qua nhưng vẫn chưa cổ phần hoá, sắp xếp đổi mới được theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ.
Lý do vì số nợ của đơn vị này lên đến trên 170 tỷ đồng. Trong đó có nhiều khoản lên đến hàng chục tỉ đồng như nợ lương người lao động 20 tỷ đồng, nợ bảo hiểm 24 tỷ đồng. Số còn lại hơn 100 tỉ là nợ các đối tác, các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Công ty TNHH MTV Nam Nung |
Không chỉ vậy mà công tác quản lý bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Nam Nung cũng không hiệu quả có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm khi để hàng ngàn ha rừng bị bốc hơi. Trước đây Nhà nước đã giao cho đơn vị này hơn 6.500ha rừng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ có 340ha còn rừng còn lại bị lấn chiếm.
Đáng chú ý, phía Công ty Nam Nung có 1.100ha cao su, trong số này có 800ha đang tranh chấp với người dân địa phương, diện tích còn lại bị xâm canh gần hết.
Những vướng mắc nêu trên đã khiến việc cổ phần hoá, sắp xếp, đổi mới tại đơn vị này không thực hiện được.
Ông Hà Hữu Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Nam Nung khẳng định, không thể cổ phần hoá vì hầu hết đất đai, tài sản còn tranh chấp với người dân địa phương.
“Chúng tôi không thể sản xuất được, người dân lấn chiếm, khai thác, thậm chí sang nhượng diện tích lấn chiếm của Công ty và vấn đề này chúng tôi đã báo cáo với tỉnh”, ông Thanh cho hay.
Công ty cà phê Đức Lập |
Tương tự Công ty cà phê Đức Lập (huyện Đắk Mil) cũng đang nợ và chưa thể cổ phần hóa dù đã có kế hoạch từ năm 2015.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đơn vị này đang còn nợ trên 174 tỷ đồng. Tuy nhiên cơ quan chức năng định giá tổng tài sản của đơn vị này khoảng 122 tỷ đồng và số nợ đã vượt quá tài sản hiện có 52 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Đức Lập cho biết về lịch sử của khoản nợ này, cụ thể nó đã hình thành trong giai đoạn 1999-2001, thời điểm công ty thu mua và xuất khẩu cà phê nên có vay tiền của một số ngân hàng khoảng 64 tỷ đồng. Sau đó làm ăn bị thua lỗ nặng nề.
“Mỗi năm số lãi phải trả lên đến 6-7 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận làm ra chỉ khoảng 2 tỷ đồng nên không thể bù đắp nổi. Gần 20 năm nay đơn vị không tiếp cận được bất cứ nguồn vốn vay nào từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng”, ông Hùng khẳng định.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông và Ban đổi mới các Doanh nghiệp đã họp bàn phương án giải quyết về vấn đề cổ phần hóa và sắp xếp đổi mới của 2 trường hợp này, tuy nhiên hiện nay tỉnh Đắk Nông đang rất lúng túng chưa biết xử lý như thế nào cho phù hợp.
Theo ông Chiến, phương án trước mắt tỉnh Đắk Nông vẫn để duy trì 2 đơn vị là Công ty Cà Phê Đức Lập và Công ty Nam Nung hoạt động như hiện tại. Tỉnh cũng đang chờ văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương để có hướng xử lý tiếp theo.
"Cả 2 đơn vị đều có tài sản đất rất lớn nhưng cũng đang nợ rất nhiều, số nợ này từ quá khứ để lại và chủ yếu là tiền lãi phát sinh, nếu được sự cho phép từ trung ương và các bộ ngành vẫn có thể thu hồi đất để bán trả nợ", ông Chiến cho hay.
Nợ gốc ngân hàng chỉ còn 1.000 đồng, doanh nghiệp nợ lãi tiền tỷ
Agribank mới đây thông báo bán hai khoản nợ của Công ty TNHH MTV Tập đoàn An Thái (Công ty An Thái), tỉnh Hòa Bình. Tổng số dư nợ của hai khoản vay đến thời điểm này là 7.710.533.207 đồng trong đó dư nợ gốc còn lại 5.000 đồng
Hải Dương