Nợ công giảm là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ công đang có xu hướng giảm dần từ 63,7% GDP năm 2016 xuống 62,6% năm 2017, khả năng cuối năm 2018 ước giảm còn 61,4% và năm 2019 tiếp tục còn 61,3% GDP.
Theo đánh giá của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, tỷ lệ nợ công giảm là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý và kiểm soát sự gia tăng của nợ công về cơ bản đã mang lại kết quả tích cực. Một mặt, Chính phủ đã kiểm soát khá tốt các yếu tố làm gia tăng nợ công bao gồm giảm bội chi ngân sách từ mức cao trên 5% GDP (cụ thể là 6,28% của năm 2015 và 5,52% năm 2016) xuống dưới 4% GDP (3,48% năm 2017 và năm 2018 là 3,67%).
Tỷ lệ nợ công giảm cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý và kiểm soát sự gia tăng của nợ công về cơ bản đã mang lại kết quả tích cực. |
Ngoài việc giảm bội chi ngân sách đáng kể, Chính phủ cũng đã kiểm soát khá tốt các khoản nợ bảo lãnh của Chính phủ. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 Chính phủ đã quản lý khá chặt chẽ việc cấp bảo lãnh chính phủ, không cấp bảo lãnh mới các chương trình, dự án vay vốn trong và ngoài nước, nhờ đó đã giúp giảm nợ được 500 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, các khoản nợ của chính quyền địa phương cũng được kiểm soát chặt theo Luật Quản lý nợ công 2017.
Mặt khác, yếu tố quan trọng không kém giúp kéo giảm tỷ lệ nợ công chính là tăng trưởng GDP. Về lý thuyết, việc vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng là điều cần làm đối với các nước đang phát triển. Về thực tiễn, chừng nào nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt thì việc vay nợ trong giới hạn vẫn được xem là bền vững.
Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý nợ công nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, theo Bộ Tài chính, chiếu theo mục tiêu Nghị quyết 07/NQ-TW đã đề ra, cho đến thời điểm này, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn cho phép. Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 ở mức 61,4% GDP (cuối năm 2016 là 63,7% GDP, mức trần là 65%), nợ Chính phủ ở mức 52,1% GDP (mức trần là 54%). Bước đầu, chúng ta đã kiềm chế tốc độ gia tăng quy mô nợ công, từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 10%/năm từ năm 2016 đến nay.
Đối với bảo lãnh Chính phủ (BLCP), Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ về việc siết chặt điều kiện và hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh mới của Chính phủ cho các khoản vay. Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, thực hiện biện pháp giám sát, quản lý sử dụng vốn vay lại và vốn vay có BLCP nhằm giảm thiểu rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cho NSNN. Các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công được cụ thể hóa thông qua việc xây dựng và tổ chức triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động, đồng bộ với điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công.
Theo Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long, trong giai đoạn 2016 - 2018, cơ cấu vay của Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vốn vay nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Huy động vốn vay trong nước trung bình giai đoạn 2016 - 2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% (so tỷ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài vào năm 2015).
Đối với vốn vay trong nước, việc tập trung huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường TPCP, đóng vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho NSNN. Cơ cấu TPCP có kỳ hạn dài từ 10 - 30 năm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng khối lượng phát hành hàng năm (giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng 16%; 9 tháng đầu năm 2018 chiếm 86,4%). Lãi suất phát hành bình quân giảm dần và thấp hơn giai đoạn trước, năm 2011 là 12,0%/năm, năm 2016 là 6,7%/năm, 9 tháng đầu năm 2018 là 4,5%/năm, góp phần tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN. Cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục được đa dạng hóa, tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại được cải thiện đáng kể.
Riêng về công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ công, Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Trương Hùng Long cho biết, trong những năm qua, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ công là nội dung được quan tâm, thực hiện bởi cả các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, cũng như các đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng xây dựng quy chế phối hợp, cung cấp và trao đổi thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng vốn vay nợ công hàng năm. Kết quả kiểm tra, giám sát là căn cứ để Bộ Tài chính giám sát tình hình tài chính các dự án, doanh nghiệp sử dụng vốn vay; kiểm soát rủi ro cũng như chủ động kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp tình hình thực tế.