Ninh Thuận ưu tiên phát triển cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới
Khí hậu khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lại là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng và vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, như nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, dê, cừu, tôm giống…
Ninh Thuận là tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa trung bình hàng năm thấp, chỉ từ 700 - 800 mm. Điều kiện khí hậu khô hạn nhìn chung gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên lại là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng và vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, trong đó có nhiều sản phẩm đặc thù, có lợi thế như nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, dê, cừu, tôm giống…
Nhiều dự án phát triển vùng trồng nho gắn với du lịch sinh thái đã được tỉnh Ninh Thuận chú trọng. Ảnh: Mạnh Hùng |
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Ninh Thuận đã ban hành đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 14/01/2019. Ngành nông nghiệp được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực triển khai thực hiện Chương trình đã tích cực chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Thông qua Chương trình OCOP đã thực sự là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà, đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản trên địa tỉnh, đặc biệt khu vực nông thôn…
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 69 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đối với cấp xã, hiện nay không còn xã dưới 10 tiêu chí và đều thuộc nhóm từ trung bình trở lên. Trong 69 sản phẩm OCOP được chứng nhận có 30 sản phẩm OCOP của 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Ninh Phước, Ninh Hải). Đây là tiền đề để phát triển mạnh mẽ các sản phẩm OCOP cho các xã NTM tại các địa phương khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như hầu hết sản phẩm OCOP của tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, tự phát; công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, nên khả năng tiếp cận, cạnh tranh thị trường thấp, giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao.
Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tại địa phương đang ở mức rất thấp. Việc tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp; Tình hình tiêu thụ bấp bênh, thị trường đầu ra và giá cả không ổn định.
Để phát triển vùng nguyên liệu địa phương phục vụ phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Ninh Thuận đã đề một số giải pháp như hình thành vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp phù hợp từng loại đất, địa hình; Tạo điều kiện, bố trí đất đai để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm đặc thù của địa phương; Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, tạo sự thuận lợi cho việc phát triển vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó là việc tận dụng lợi thế các sản phẩm đặc thù tại địa phương để phát triển du lịch, tổ chức các loại hình dịch vụ tham quan tại vườn. Phát triển du lịch đa dạng (như du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm, khám phát, tình nguyện,..) lồng ghép chương trình quảng bá sản phẩm địa phương; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và theo nhu cầu thị trường nhằm sản xuất hàng hóa nông sản, thủy sản có giá trị cao đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới; Tiếp tục tập trung chỉ đạo để tăng quy mô và sản lượng mặt hàng nông sản có giá trị và các phẩm OCOP tại các địa phương; hỗ trợ Hợp tác xã, cơ ở, doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, tỉnh Ninh Thuận đã hoạch định chiến lược phát triển vùng nguyên liệu phù hợp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 theo các dự án phát triển vùng sản xuất trọng điểm của địa phương như Dự án phát triển vùng trồng nho gắn với du lịch sinh thái tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước; Dự án phát triển vùng nguyên liệu địa phương cho các sản phẩm OCOP, xây dựng mô hình thí điểm sản phẩm Dê, cừu; Dự án phát triển vùng trồng nho gắn với du lịch sinh thái tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; Dự án du lịch tham quan vườn trái cây xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; Dự án đầu tư hạ tầng phát triển vùng trồng măng tây xanh tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Đặc biệt là kế hoạch mỗi huyện (thành phố) xây dựng từ 1 - 2 dự án liên quan đến phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ…
Mạnh Hùng