Ninh Bình: Tập huấn truyền thông giảm nghèo về thông tin
Tham dự Hội nghị Tập huấn có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện Phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố và cán bộ Đài Truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại lớp tập huấn, bà Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cho biết, giảm nghèo về thông tin là một trong năm dự án thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với hai hoạt động truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin, cụ thể:
Thứ nhất, truyền thông về giảm nghèo sẽ triển khai các nội dung có liên quan đến xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo; xây dựng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ Trung ương tới cơ sở; tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở.
Thứ hai, giảm nghèo về thông tin sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản; hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác.
Đối với tỉnh Ninh Bình, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nội dung thứ 2 về giảm nghèo về thông tin.
Quang cảnh hội nghị tập huấn. |
Tại Hội nghị Tập huấn Truyền thông giảm nghèo về thông tin, ông Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình truyền đạt các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, ông Đinh Tiến Quang, Phụ trách phòng Thông tin Báo chí, Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông định hướng một số nội dung về công tác truyên truyền giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020. Bà Trần Thị Hồng Giang, Phó Trưởng phòng biên tập phát thanh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình đã hướng dẫn kỹ năng, cách khai thác chủ đề, tin, bài và xây dựng một chương trình phát thanh về giảm nghèo.
Thông qua Hội nghị tập huấn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình đã định hướng nội dung công tác thông tin tuyên truyền về giảm nghèo bền vững gia đoạn 2016-2020 cho đội ngũ cán bộ Đài truyền thanh cấp huyện và cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở, đồng thời trang bị thêm những thông tin bổ ích và kỹ năng cần thiết để chủ động hơn trong việc tuyên tuyền về giảm nghèo tại địa phương, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền nói chung và truyền thông về giảm nghèo nói riêng.
Thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 882/KH-STTTT ngày 29/9/2017 Thực hiện dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017; biên tập, phát hành tài liệu “Thông tin về giảm nghèo”, xây dựng vận hành Trang thông tin điện tử “Giảm nghèo về thông tin”; hỗ trợ kinh phí cho Đài Truyền thanh các huyện, thành phố xây dựng và phát sóng chuyên mục “Thoát nghèo bền vững” và Tổ chức Hội nghị Tập huấn “Truyền thông giảm nghèo về thông tin”.
Tuy nhiên, việc giảm nghèo về thông tin cũng phải đi đôi với tăng cường bảo đảm an toàn thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai một số nội dung như: Cảnh bảo, phổ biến rộng rãi về nguy cơ tấn công mạng qua giao thức không dây tới cán bộ quản trị và người sử dụng; Không sử dụng hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng mạng không dây Wifi để truyền tải các thông tin quan trọng, nhạy cảm; Kết hợp các biện pháp khác khi sử dụng mạng không dây để bảo đảm an toàn cho thông tin, dữ liệu được truyền tải như: kênh truyền riêng được mã hóa; chỉ truy cập và sử dụng thông tin quan trọng trên các trang web dùng https, sử dụng các ứng dụng có mã hóa riêng; Chủ động theo dõi các thông tin từ các cơ quan chức năng và các tổ chức về an toàn thông tin để kịp thời cập nhật các bản vá cho thiết bị nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng qua giao thức không dây.