Những thủ đoạn hấp dẫn của tội phạm rửa tiền giăng bẫy con mồi
Phần lớn các đồng tiền phi pháp qua hệ thống ngân hàng đều trở thành 'tiền sạch'. Chính vì vậy mà người ta gọi hệ thống ngân hàng là cỗ máy rửa tiền (money - laundering machine) cho bọn tội phạm.
Rửa tiền là hình thức tội phạm có tổ chức và gây nhiều tác hại lớn cho các nền kinh tế vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tội phạm, đặc biệt là buôn lậu, bành trướng hoạt động. Các nước sẽ phải chịu những khoản tổn thất khổng lồ vì các tội phạm đó. Rửa tiền làm suy yếu và ảnh hưởng đến thanh danh của hệ thống tài chính ngân hàng.
Trong một vụ án tham nhũng xét xử năm 1999 ở Việt Nam, các cơ quan pháp luật đã phát hiện hai nhân vật trọng tâm của vụ án có tài khoản ở nước ngoài.
Một ví dụ từng xảy ra đối với ngân hàng Việt Nam, đó là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã nhận được e-mail từ Nigeria yêu cầu ngân hàng này mở tài khoản để nhận 28 triệu USD, bù lại sẽ nhận được 15% của số tiền này.
Nhiều trường hợp có các cá nhân phản ánh việc nhận được email từ nước ngoài, từ người ngoại quốc, trao đổi thông tin làm quen, sau đó xin số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào và "gạ gẫm" người cho số tài khoản sẽ có một khoản tiền "trên trời rơi xuống" rất hời. Chiếc bẫy này ngọt ngào này khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ bởi khó có thể hình dung được có ai đó tốt bụng đến mức tự tìm người xa lạ để cho không tài sản của họ.
Trong vụ án NH cổ phần Nông thôn Thanh Hoá, khi bị phanh phui thì các cơ quan chức năng đã phát hiện có tới 20 tờ séc - mỗi tờ trị giá 1 triệu USD của các NH ở nước ngoài gửi vào tài khoản của NH này và giả thiết được đưa ra là NH này đã cho bọn tội phạm quốc tế mượn tư cách pháp nhân để rửa tiền.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADB) cũng đã kiến nghị phía Việt Nam cần có một quy định của Chính phủ về chống rửa tiền.
Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol từng cảnh báo rằng, Việt Nam đang trở thành một trong những đích nhắm của bọn tội phạm quốc tế trong việc hình thành những đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.
Báo chí và các cơ quan chức năng đã từng lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam về âm mưu rửa tiền của các tổ chức tội phạm quốc tế thông qua các đề nghị cho vay.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được lời chào mời của một công ty dầu khí ở châu Phi về việc ký các hợp đồng vay tiền, trong đó bỏ trống phần ghi tên đối tác nước ngoài. Một số tổ chức tài chính nước ngoài cũng đã đề nghị cung cấp những khoản vay lên đến hàng trăm triệu USD với lãi suất thấp và thời hạn hàng chục năm cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu có sự bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước, và đối tác Việt Nam sẽ được hưởng một khoản hoa hồng lên đến 30-40% giá trị hợp đồng.
Hoạt động rửa tiền mang tính quốc tế, vì thế, đặc biệt sau vụ nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9, hầu hết các nước đều đề cao việc chống rửa tiền.Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền và đã có các Nghị định, thông tư quy định cụ thể về xử lý các hành vi phạm pháp trong lĩnh vực tiền tệ. Đây được coi là bước hội nhập quan trọng trong iệc phối hợp với quốc tế nhằm xây dựng thị trường tài chính lành mạnh, phát triển.
PV