Những start-up nổi bật tại WEF ASEAN 2018
Tại Diễn đàn WEF ASEAN 2018, các start – up năng động nhất khu vực ASEAN sẽ cùng tham dự một Hội thảo chuyên đề riêng để thảo luận về các vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt là việc huy động vốn để phát triển tại khu vực với nguồn lực hạn chế.
Phần lớn các start-up tham dự WEF ASEAN 2018 lần này chủ yếu là các start – up accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông. Các start – up đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính, logistics và thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe.
1. Antipara Explorations (Philippines)
Xuất phát từ ý tưởng muốn bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, start – up Antipara Exploration đã tạo ra một thuật toán có thể theo dõi những biến đổi của đại dương, giới thiệu và tư vấn những cách tiếp cận khoa học để quản lý và khai thác thủy hải sản.
Start – up Antipara Exploration hướng tới bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. (Nguồn: WEF) |
Start – up này đang cung cấp các bản đồ ven biển dưới nước, đánh giá về môi trường biển và dịch vụ trực quan 3D. Công nghệ mà Antipara Exploration có thể rút ngắn những công việc khảo sát, nghiên cứu đại dương mà bình thường phải mất từ 2-3 tháng xuống chỉ còn 1 ngày.
2. Crowde (Indonesia)
Nhận thấy những người nông dân sở dĩ không tiếp cận được vốn là vì họ không thể ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, từ đó gia tăng thu nhập, CROWDE, một start – up về nông nghiệp, đã tạo ra một nền tảng đầu tư cộng đồng, qua đó giúp người nông dân có thể nhận được nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng trên cơ sở cùng chia sẻ lợi nhuận.
3. HelloGold (Malaysia)
Start – up fintech của Malaysia HelloGold Foundation đã tung ra GoldX - đồng tiền ảo có giá trị tương ứng với vàng. Tầm nhìn của dự án là giúp người dùng từ các nền kinh tế mới nổi có thể dễ dàng đầu tư vào vàng thông qua một ứng dụng di động.
4. Queenrides (Indonesia)
Queenrides là start – up đầu tiên cung cấp nền tảng công nghệ dành riêng cho việc trợ giúp phụ nữ lái xe và lái xe an toàn thông qua việc kết hợp các khóa học thực tế với một chiến dịch truyền thông xã hội thân thiện.
Ý tưởng này cũng hướng đến việc đảm bảo an toàn cho gần 15 triệu người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông tại thủ đô Jarkata.
5. Revolution Pre-crafted (Philippines):
Chỉ ra đời chưa đầy 2 năm, Revolution Pre-crafted đã nhanh chóng trở thành start – up tỷ USD đầu tiên của Philippines và cũng là công ty đạt được mốc này nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng được được xem là kỳ tích đối với một start – up Philippines, nơi mà sân chơi công nghệ còn khá nhỏ và chưa đọ được với các nước láng giềng về vốn.
6. Hachi (Việt Nam)
Hiện Hachi đã xây dựng hơn 12 trang trại thông minh trên khắp Việt Nam. Hachi đã sử dụng nền tảng internet vạn vật (IoT) trên hệ thống thủy canh thông minh và đạt kết quả khả quan. Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là sử dụng các loại cảm biến, tự động theo dõi, giám sát điều kiện môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone). Không cần đất, không cần ánh sáng, người dùng chỉ cần bổ sung nước 2 lần/tuần và thay hạt giống cây sau khi thu hoạch cây cũ.
Hachi được đầu tư bởi quỹ VSV (Bộ Khoa học & Công nghệ) và VCIC với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Hachi (Việt Nam) là một start – up đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp |
7. Triip (Singapore)
Triip là một start – up du lịch khá nổi tiếng của Singapore với nền tảng ứng dụng giúp liên kết du khách với những hướng dẫn viên du lịch địa phương. Thay vì lựa chọn các tour du lịch thông qua các công ty lữ hành, Triip sẽ sắp xếp một kỳ nghỉ độc đáo và riêng biệt dành cho các du khách mong muốn khám phá những điều mới lạ với thời gian chuẩn bị ngắn nhất.