Những sai lầm trong ăn uống mà hầu hết người tiểu đường nào cũng mắc
Ăn xôi sáng no lâu, đủ chất?
Chỉ cần 5- 10 nghìn đồng là có thể mua được gói xôi đủ cho bữa sáng giữa thời bão giá. Tuy nhiên, ăn nhiều xôi có tốt, đặc biệt với những bệnh nhân tiền/đái tháo đường?
Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, ăn đồ nếp sẽ làm tăng đường huyết lên rất nhanh. Cụ thể các sản phẩm được chế biến từ đồ nếp như: xôi, chè, bánh khúc, các loại bánh nếp…
Trong thực phần tinh bột gạo có hai loại: gạo dẻo, gạo thường. TS. Đỗ Đình Tùng cho biết, loại nào càng nhiều thành phần gạo dẻo như đồ nếp thì càng làm tăng khả năng hấp thu đường vào trong máu.
“Chúng ta chỉ ăn một gói xôi vào buổi sáng làm cho đường huyết tăng lên rất cao nhưng lại hạ xuống rất nhanh. Hơn nữa, chỉ một gói xôi không thôi cũng không đủ năng lượng. Do đó, nên ăn cơm vào buổi sáng kèm thêm thức ăn sẽ đủ năng lượng cho cơ thể.
Người dân, đặc biệt người tiền/đái tháo đường nên tập thói quen bữa sáng là bữa chính thì sẽ tốt hơn và không nên ăn xôi thường xuyên vào buổi sáng. Thay vào đó, nên ăn đa dạng các loại và cố gắng làm sao bữa sáng là bữa chính”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Đặc biệt người bị tiểu đường tuyệt đối không được nhịn bữa sáng. Bởi người bị tiểu đường thường giảm dự trữ năng lượng nên cơ thể mệt mỏi và thiếu sức sống.
Việc ăn một bữa sáng giàu protein sẽ giúp cơ thể của họ được cung cấp thêm năng lượng và không làm lượng đường huyết tăng lên nhờ đó mà tránh được tình trạng mệt mỏi trong suốt ngày dài.
Theo đó, bữa sáng cho người tiểu đường nên giàu chất xơ và đạm, giảm thiểu đồ ngọt, ăn nhạt… Một bữa sáng nhiều muối rất dễ làm tăng nguy cơ bị bệnh huyết áp từ đó gây ra các biến chứng mạch máu do tiểu đường như bệnh tim mạch, bệnh thận, tê bì tay chân,...
Kiêng cơm trắng chỉ ăn miến và khoai
Ngoài ra, một cách thực hành dinh dưỡng khác cũng được nhiều bệnh nhân tiền/đái tháo đường áp dụng. Đó là khi cho rằng trong tinh bột chứa nhiều đường nên thường kiêng tuyệt đối tinh bột. Thay vào đó, họ chỉ ăn khoai, ăn miến dong thay cơm trắng.
Chia sẻ điều này, TS. BS Đỗ Đình Tùng khẳng định “nhịn ăn tinh bột không tốt cho người đái tháo đường”. Chế độ dinh dưỡng chuẩn là phải ăn cân đối các chất: đạm, đường, mỡ.
Theo đó, lượng tinh bột cung cấp cho cơ thể ít nhất 60-65%, mỡ khoảng 20- 25%, đạm khoảng 10- 15% để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
“Việc ăn ít tinh bột dẫn đến tình trạng người bệnh luôn luôn háo ngọt, thiếu năng lượng. Mà thiếu năng lượng sẽ phải lấy năng lượng từ nguồn khác sẽ sinh ra nhiều sản phẩm độc…
Ăn ít tinh bột dẫn đến kiểm soát đường máu không tốt, lúc no tăng rất cao nhưng lúc đói đường huyết hạ thấp vì thiếu tinh bột.
Một nguy cơ nữa nếu thiếu tinh bột sẽ làm giảm đường máu, năng lượng đường cung cấp cho não ít đi. Mà não chỉ sử dụng đường cung cấp năng lượng thôi dẫn đến nguy cơ tỷ lệ teo não, nguy cơ quên nhiều ở những người ăn ít tinh bột so với người ăn đủ tinh bột”, TS Đỗ Đình Tùng cho hay.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người đái tháo đườngg vẫn phải ăn cơm, bún, miến, khoai, chỉ là ăn ít hơn bình thường. Ngoài ra cần chú ý đến cách chế biến thực phẩm, bởi chế biến khác nhau sẽ mang lại giá trị đường khác nhau.
Ví dụ, nếu nấu cơm khô vừa phải thì một bát con cơm sẽ có lượng đường là 58% nhưng nếu nấu nhiều nước cơm mềm hơn, lượng đường sẽ tăng thêm 20%.
Tương tự nếu cà rốt ăn sống, uống nước ép tươi, lượng đường là 16%. Nhưng nếu thái nhỏ, nấu súp, hầm nhừ thì lượng đường là 92%, hoàn toàn phản tác dụng trong điều trị tiểu đường.
Các thực phẩm nếu hầm nhừ, chiên xào quá lâu, cắt nhỏ sẽ làm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, thức ăn mềm sẽ giúp hệ tiêu hóa vận hành dễ dàng hơn, chuyển hóa dinh dưỡng nhanh hơn, lượng đường hấp thu vào máu nhanh. Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần chú ý đến cách chế biến thực phẩm nấu chín vừa phải.
N. Huyền