Những mô hình sản xuất góp phần xây dựng NTM nâng cao tại Bắc Giang
Thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm an toàn. Đây là một trong những điểm cộng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tỉnh Bắc Giang đang phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã nông thôn mới nâng cao, 73 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Các huyện, thành phố đang trên đường hoàn thành mục tiêu đề ra.
Năm 2021 là năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt kết quả cao nhất trong những năm qua về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, số xã nông thôn mới nâng cao, đưa tỉnh Bắc Giang đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Trong các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, phục vụ nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Theo đó, trước đây nhiều hộ dân tại các địa phương trong tỉnh vẫn có thói quen sử dụng phương thức sản xuất cũ, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không hợp lý, dịch bệnh hay xảy ra nên giá trị kinh tế không cao.
Bắc Giang ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp |
Vì vậy, để tạo ra các sản phẩm an toàn và giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm qua ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời triển khai xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP để người dân học hỏi, áp dụng và nhân rộng.
Thời gian gần đây, tại nhiều huyện như Lạng Giang, Việt Yên, Lục Ngạn, Hiệp Hòa… cũng đã tích cực triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất. Qua đó xuất hiện hàng trăm hộ nông dân có thu nhập cao nhờ phát triển sản xuất an toàn theo chuỗi khép kín.
Điển hình là mô hình sản xuất cây có múi được triển khai ở huyện Lục Ngạn trên cây cam Đường Canh và cây cam Vinh với quy mô hơn 35 ha, được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình sản xuất VietGAP, cho thu nhập trung bình từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình sản xuất chè triển khai ở huyện Yên Thế ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng giống mới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng từ 20 - 30% so với sản xuất thông thường. Mô hình rau Cần công nghệ cao theo hướng hữu cơ tại xã Hoàng Lương (huyện Hiệp Hòa) có quy mô 200 ha, trong đó sản xuất VietGAP 130 ha, với năng suất khoảng 1,7 tấn/sào, quy trình canh tác 4 vụ/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 1,5 nghìn tấn mỗi năm, doanh thu đạt 700 - 800 triệu đồng/ha, tổng giá trị thu từ rau Cần mỗi năm đạt hàng nghìn tỷ đồng....
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có 716 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó, có khoảng 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Bình quân thu nhập ước đạt 300 triệu đồng/mô hình/năm, lợi nhuận kinh tế mang lại cho nông dân cao gấp 3 - 5 lần so với sản xuất thông thường.
Thông qua triển khai mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho thấy những ưu điểm vượt trội, năng suất, sản lượng và thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cao hơn so với sản xuất đại trà. Các mô hình không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về lớn mặt xã hội, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt ước đạt khoảng 20% tổng giá trị; giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản đạt khoảng 100 triệu USD.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ sạch, hữu cơ và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Bắc Giang cũng sẽ mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản....
Mục tiêu mà địa phương này đặt ra xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
H. Anh