Những lưu ý khi mua bánh trung thu
Vài năm trở lại đây, bánh trung thu handmade được nhiều người yêu thích và trở thành trào lưu. Người người, nhà nhà mua làm quà và thưởng thức. Sức hút của những chiếc bánh handmade này thu hút mọi lứa tuổi, sở thích và hình dáng của bánh cũng hấp dẫn nhiều người.
Chị Nguyễn Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) cho biết 5 năm nay chị đều nói không với bánh trung thu công nghiệp. Chị Hà thường chọn mua bánh trung thu do bạn bè tự làm. Đặc điểm của các loại bánh này hạn sử dụng ngắn, mùi vị có thể không ngon bằng bánh công nghiệp vì nó ít phụ gia. Tuy nhiên, người dùng lại yên tâm hơn.
Chị Lê Thị Hoa (Thanh Xuân Trung, Hà Nội) cho biết 4 năm trở lại đây chị đều tự làm bánh cung cấp cho bạn bè, đồng nghiệp. Bắt đầu từ rằm tháng 7 là chị bắt tay vào làm. Vì bánh nhà làm nên có thể lựa chọn kỹ nguyên liệu từ vỏ bánh, nhân bánh.
Chị Hoa nhận oder của mọi người theo yêu cầu của họ và làm. Số lượng bánh mỗi ngày chị Hoa cũng chỉ làm được 30-40 bánh. Trọng lượng 150 – 170 gram. Ngoài bánh truyền thống, chị Hoa cũng làm thêm các loại bánh mini hình thú, hình hoa cho trẻ nhỏ. Các loại bánh dành cho người ăn kiêng.
Chị Hoa cho biết bánh cho người ăn kiêng là loại bánh khó làm nhất vì bột đều là bột từ các loại hạt nhập khẩu, dầu ăn, đường cũng là đường nhập khẩu. Bánh không sử dụng chất bảo quản nên có thời gian sử dụng ngắn, dễ lên dầu.
Theo PGS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Tiết chế dinh dưỡng,Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết không chỉ riêng bánh trung thu mà nhiều thực phẩm handmade những năm gần đây thu hút các bà nội trợ. Mọi người đều có tâm lý sản phẩm tự làm sẽ an toàn hơn.
Bánh trung thu tự làm thu hút người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, BS Niên cho biết bánh tự làm đôi khi cũng có nhược điểm đó là hạn sử dụng, bánh dễ nhiễm vi sinh hơn bánh công nghiệp. Bánh trung thu tự làm thường không sử dụng phụ gia, chất bảo quản nên rất dễ mốc, nhiễm nấm.
Nếu bạn ăn phải bánh mốc, oxy hóa thì có thể gây ngộ độc, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nặng có thể nguy kịch giống như các trường hợp ngộ độc vì nhiễm độc botulinum – một vi khuẩn kỵ khí dễ tồn tại trong thực phẩm tự làm.
Với người tiêu dùng, BS Niên lưu ý khi bạn chọn mua bánh cần lựa chọn bánh có tên, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản kín...
Khi mua cần đọc kỹ phần nguyên liệu trên bao bì để biết được lượng calo và chất bột, béo, đạm của bánh. Đặc biệt, bánh trung thu nhà làm nên ăn sau vài ngày mua do không để được dài hạn.
Bác sĩ Niên cho biết khi ăn bánh bạn cũng nên cân đo đong đếm lượng đường, chất béo nên có ưu thế về dinh dưỡng, đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng hơn, kể cả người ăn chay, người bệnh tiểu đường, béo phì...
Không chỉ bánh handmade, Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM còn khuyến cáo thêm các sản phẩm bánh trung thu được quảng cáo rầm rộ trên mạng như bánh trung thu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan với các loại nhân lạ lẫm như nhân phomai, nhân trứng chảy.
Khi dùng, người dân nên hết sức cẩn trọng. BS Tường cho biết, tất cả thực phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ là sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, người dân không nên dùng nếu không biết rõ về sản phẩm đó như thế nào.
Với các bánh trung thu lạ miệng, người ăn không nhận biết được hậu quả của nó, ăn vẫn thấy ngon và mua. Thực tế, các loại bánh trung thu không đảm bảo ăn vào không gây ngộ độc cấp, nhưng ảnh hưởng lâu dài đến các cơ quan nội tạng như gan, thận... đường tiêu hóa nói chung.
Hiện nay, việc mua bánh trung thu handmade chủ yếu là dựa vào niềm tin với người làm bánh bởi những điều chưa chắc đã giống với quảng cáo.
Vì thế mọi người cần tìm đúng nơi chuẩn an toàn để chọn mua. Tránh mua những bánh kém chất lượng kiểu tiền mất tật mang vào người.
Khánh Chi