Những lực lượng nào được trang bị vũ khí quân dụng?
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VKVLNCCHT), do Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội chiều 02/06, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể đối tượng được trang bị trong dự thảo Luật theo hướng chỉ trang bị vũ khí quân dụng cho các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng được trang bị vũ khí; cân nhắc việc trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải quan, An ninh hàng không, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao...
Một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng như Công an xã, lực lượng dự bị động viên, các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc biệt, bảo tàng,
Ảnh minh họa. |
Trước những kiến nghị trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 17 dự thảo Luật là những lực lượng, đơn vị đang được giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành công vụ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nguy hiểm. Những lực lượng này hiện đang được trang bị vũ khí quân dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Riêng đối với cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hiện nay được xác định là lực lượng điều tra chuyên trách có nhiệm vụ điều tra đối với 38 tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự. Một số đối tượng điều tra của lực lượng này cũng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng thời có hiểu biết chuyên sâu về pháp luật, tính chất chống đối cũng nguy hiểm, rất khó lường nên khi tiến hành đấu tranh bắt giữ đối tượng có hành vi chống đối sẽ rất nguy hiểm cho cán bộ, điều tra viên Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, do đó, cần thiết trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ.
Việc quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí cần bảo đảm linh hoạt, phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, nên để Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể là phù hợp. Mặt khác, việc quy định cụ thể số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Công an nhân dân thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định chung và giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Công an xã là lực lượng thuộc hệ thống tổ chức Công an nhân dân (theo quy định của Luật Công an nhân dân); lực lượng dự bị động viên là một bộ phận của Quân đội nhân dân (theo quy định của Luật Quốc phòng), đã thuộc đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng trong dự thảo Luật; một số lực lượng chuyên trách chống buôn lậu thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, việc xác định đối tượng được trang bị như dự thảo Luật là phù hợp. Đối với các lực lượng, tổ chức, đơn vị khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng vì không phù hợp tính chất hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh đối với pháo hoa. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng pháo hoa được xác định là sản phẩm đặc thù, chỉ được xem xét cho sử dụng trong những ngày lễ trọng đại của đất nước hoặc Tết cổ truyền dân tộc. Trên thực tế, hiện nay chỉ có một đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất pháo hoa và được quản lý chặt chẽ theo Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ. Kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, UBTVQH đề nghị không quy định quản lý, sử dụng pháo hoa trong Luật này mà tiếp tục giao Chính phủ quy định.